Yếu tố liên quan tới dị ứng ở trẻ
Cập nhật vào: Thứ hai - 06/03/2023 21:36 Cỡ chữ
Bệnh dị ứng thực phẩm là bệnh khi phản ứng của hệ miễn dịch xảy ra ngay sau khi ăn một loại thức ăn nhất định. Ngay cả khi sử dụng một lượng rất nhỏ thức ăn gây dị ứng cũng có thể gây ra các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, sưng đường hô hấp hoặc nghiêm trọng hơn là bị sốc phản vệ.
Nguyên nhân do hệ thống miễn dịch bị xác định nhầm một số loại thực phẩm cụ thể hoặc các chất có trong thực phẩm như là tác nhân gây hại. Khi đó, hệ thống miễn dịch sinh ra các tế bào để giải phóng các kháng thể được gọi là kháng thể immunoglobulin E (IgE) để trung hòa các thực phẩm gây dị ứng hay tác nhân thực phẩm (các chất gây dị ứng). Khi ăn phải một lượng rất nhỏ thực phẩm đó ở những lần sau, các kháng thể IgE sẽ cảm nhận và tín hiệu đến hệ thống miễn dịch để tạo ra histamine, cũng như các hóa chất khác, vào máu. Các hóa chất đó sẽ gây ra một loại dấu hiệu dị ứng như chảy mũi và ngứa vệ.
Dị ứng xảy ra cả ở người lớn và trẻ em, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khoảng 3% trẻ sơ sinh bị dị ứng thực phẩm, con số này ở trẻ trên một tuổi là 9%. Đối với những trẻ này, một số loại thực phẩm sẽ kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch, gây ra tình trạng ngứa, mẩn đỏ, khó thở, sốc phản vệ đe dọa tính mạng. Một trong những nguyên nhân là do hệ miễn dịch và đường ruột của trẻ lúc này còn non yếu, tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa cao. Cho nên khi cho trẻ tiếp xúc với thực phẩm mới có tính dị nguyên cao thì phản ứng của trẻ dễ phát triển thành dị ứng.
Dị ứng thức ăn cũng thường hay gặp hơn ở trẻ có cơ địa dị ứng (atopy). Trẻ có cơ địa dị ứng là những trẻ thường có nồng độ kháng thể IgE trong máu cao hơn bình thường, thường có bố mẹ hoặc anh chị em cũng có cơ đị dị ứng hoặc những trẻ mắc viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, hen phế quản, mày đay dị ứng. Trong thức ăn có những protein “lạ” là những dị nguyên (allergen) khi hấp thu vào máu, gắn vào kháng thể IgE kích thích tế bào bạch cầu ưa kiềm và tế bào mast giải phóng các hoạt chất hóa học trung gian như histamin, serotonin... đi vào trong máu, gây ra các triệu chứng dị ứng.
Không phải hầu hết các trẻ bình thường đều bị dị ứng thức ăn, mà một số trẻ bị chàm cũng có khả năng bị dị ứng. Hiện có đến 40% trẻ sơ sinh bị chàm từ trung bình đến nặng sẽ bị dị ứng thực phẩm. Tiền sử gia đình có người mắc bệnh chàm, hen suyễn, dị ứng cũng là tăng nguy cơ ở trẻ.
Để phòng ngừa và giảm tình trạng dị ứng ở trẻ nhỏ, chúng ta cần tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng như: Sữa bò, trứng, cá, đậu phộng, vừng, động vật có vỏ giáp xác, đậu nành, các loại hạt, lúa mì. Giai đoạn trẻ sơ sinh, cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ là cho con bú từ 4 đến 6 tháng, từ đó gỉảm nguy cơ bị chàm, và dị ứng với sữa bò. Trong giai đoạn ăn dặm, hãy cho bé ăn các thức ăn đặc thành phần đơn lẻ như bí đỏ, ngũ cốc... nếu bé có dấu hiệu dị ứng, việc tìm ra nguyên nhân cũng dễ dàng hơn.
Trần Mỹ Hương, (NASATI), tổng hợp 3/2023