Xác định mối liên hệ giữa thịt đỏ và ung thư đại trực tràng
Cập nhật vào: Chủ nhật - 10/11/2024 12:10 Cỡ chữ
Thịt đỏ là nguồn cung cấp protein và chất béo dồi dào, cũng như các vitamin và khoáng chất thiết yếu như sắt, kẽm và vitamin A và B. Tuy nhiên, ăn quá nhiều thịt đỏ sẽ không tốt cho sức khỏe. Mặc dù đã có bằng chứng kết nối giữa việc ăn thịt đỏ với một số loại ung thư, nhưng chưa xác định được cơ chế cơ bản.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư quốc gia Singapore (NCCS) và Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore (A*STAR) đã phát hiện ra cơ chế liên kết giữa việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ với ung thư đại trực tràng, cũng như xác định được phương pháp can thiệp vào cơ chế này để đưa ra chiến lược mới điều trị loại ung thư này.
Trên toàn thế giới, ung thư đại trực tràng, ảnh hưởng đến ruột già hoặc trực tràng, là loại ung thư phổ biến thứ ba, chiếm khoảng 10% các trường hợp ung thư. Đây cũng là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư. Ngoài tuổi tác và tiền sử gia đình, các yếu tố về lối sống như chế độ ăn, ít vận động, béo phì, hút thuốc và uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này.
Sau khi nghiên cứu các mẫu ung thư đại trực tràng tươi, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sắt trong thịt đỏ đã kích hoạt lại enzyme telomerase thông qua một loại protein cảm biến sắt có tên là Pirin, thúc đẩy sự tiến triển của ung thư. Vậy telomerase và telomere có vai trò ra sao và tác động như thế nào đến sự phát triển của ung thư?.
Telomere nằm ở cuối nhiễm sắc thể, được tạo thành từ trình tự ADN và protein, rất cần cho quá trình phân chia tế bào. Với mỗi lần phân chia tế bào, telomere càng ngắn lại cho đến khi chúng ngắn đến mức tế bào không còn phân chia được nữa. Khi đó, các mô sẽ già đi. Tuy nhiên, enzyme telomerase có thể tái tạo telomere để phục hồi sự phân chia tế bào.
Tuy nhiên, nếu một tế bào tiếp tục phân chia mất kiểm soát, vượt qua giới hạn tự nhiên do telomere đặt ra, sẽ tạo thành khối u ung thư. Do phân chia quá nhiều lần nên các tế bào ung thư sẽ có các telomere quá ngắn để bảo vệ nhiễm sắc thể. Để tránh bị tiêu diệt, các tế bào sẽ tạo ra telomerase để có thể tiếp tục phân chia và phát triển, về cơ bản là trở nên bất tử. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng sắt trong thịt đỏ đã kích hoạt lại telomerase trong các tế bào ung thư đại tràng, thúc đẩy sự tiến triển của ung thư.
Trong nghiên cứu, các tác giả đã chỉ ra cách sắt (Fe3+) kết hợp với các yếu tố di truyền kích hoạt lại telomerase, cung cấp cơ chế phân tử cho mối liên hệ giữa tình trạng quá tải sắt và tỷ lệ mắc ung thư đại tràng gia tăng.
Ngoài xác định chính xác cơ chế này, nhóm nghiên cứu cũng xác định được phương pháp điều trị mới triển vọng dựa trên cơ chế này. Phân tử nhỏ có tên SP2509 đã được phát hiện, có khả năng ngăn chặn hoạt động trở lại của telomerase trong các tế bào ung thư bằng cách nhắm vào Pirin, ngăn không cho sắt liên kết với nó. Trong các thử nghiệm tại lab trên các dòng tế bào ung thư, SP2509 đã ngăn chặn sự tái hoạt hóa của telomerase và làm giảm sự phát triển của khối u. Đây là chiến lược tiềm năng mới trong điều trị bệnh ung thư đại tràng.
N.P.D (NASATI), theo Newatlas, 10/2024