Vì sao con người bị mộng du?
Cập nhật vào: Thứ tư - 13/04/2022 01:01 Cỡ chữ
Ngủ là thời điểm để nghỉ ngơi và hoạt động mọi người thường làm nhất trong lúc này là quay ngang quay ngửa. Nhưng đối với một số khác, giấc ngủ có thể là thời điểm mà họ đi lòng vòng quanh nhà, lái xe hoặc nấu ăn trong trạng thái vô thức. Đây chính là “mộng du”.
Mộng du không phải là một chứng bệnh về tâm lý hay tâm thần mà chỉ đơn giản là một rối loạn giấc ngủ thường gặp ở pha ngủ sâu. Thông thường, ở pha này, cơ thể được thư giãn, hồi phục sau một ngày làm việc thì ở những người bị mộng du, họ lại hoạt động như lúc tỉnh. Ví dụ như nói chuyện, ngồi dậy, nhìn xung quanh, ra khỏi giường, đi lang thang quanh nhà, thậm chí là lái xe ô tô. Tất cả những hành động này đều được duy trì ở trạng thái ngủ sâu. Những người mộng du không chỉ khó đánh thức mà họ còn nhớ rất ít, thậm chí không nhớ gì về những chuyến phiêu lưu đêm của bản thân. Tồi tệ hơn nữa là có thể họ sẽ tấn công những ai cố gắng đánh thức họ dậy.
Cho đến nay, mộng du vẫn còn là điều bí ẩn chưa được giải thích rõ ràng. Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra nguyên nhân thực sự của chứng mộng du. Một trong những nguyên nhân chính có thể bắt nguồn từ chất lượng giấc ngủ. Mộng du là chứng rối loạn giấc ngủ mang tính di truyền và có liên quan mật thiết đến nhóm bệnh thần kinh khác như: trầm cảm, Parkinson và các cơ chế của giấc ngủ REM. Mộng du thường xảy ra vào đầu buổi đêm (một đến hai giờ sau khi bạn chìm vào giấc ngủ). Mộng du không thể xảy ra trong giấc ngủ ngắn. Một cơn mộng du thường kéo dài vài phút, cũng có thể lâu hơn. Mộng du có thể xảy ra một cách thỉnh thoảng hoặc thường xuyên.
Nghiên cứu về giấc ngủ của Viện Y học Giấc ngủ Mỹ (ASSM), giấc ngủ của con người chia thành hai giai loại đó là giấc ngủ REM và giấc ngủ non-REM (NREM), dựa vào việc sự chuyển động mắt nhanh (REM) có xảy ra bên dưới mí mắt hay không. Trong giấc ngủ REM, bộ não của bạn hoạt động tích cực giống như khi tỉnh táo, và đây là giai đoạn mà các giấc mơ sinh động nhất của chúng ta thường xảy ra. Còn giấc ngủ NREM thì có thể được chia thành 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Chuyển từ tỉnh sang ngủ
Giai đoạn 2: Chìm sâu hơn vào giấc ngủ
Giai đoạn 3: Bắt đầu giấc ngủ sâu, não có sóng Delta
Giai đoạn 4: Giai đoạn ngủ sâu, não có sóng chậm liên tục
Mộng du thường xảy ra ở thời điểm chúng ta ngủ sâu nhất, trong giai đoạn 3 và 4. Đây là lúc bạn ngủ sâu nhất và sóng não của bạn chậm nhất. Có một giả thuyết rằng người ta sẽ bật dậy khỏi giường khi não họ cố gắng đi thẳng từ giấc ngủ NREM sang trạng thái thức, thay vì trải qua tuần tự các giai đoạn của một chu trình ngủ. Người ta tin rằng một tác nhân nào đó đã kích phát quá trình chuyển tiếp này. Ngược lại, trong giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh), bộ não của bạn lại hoạt động khá tích cực, và để giúp bạn tránh khỏi việc vung tay vung chân trong những giấc mơ, các cơ bắp của cơ thể sẽ trở nên tê liệt tạm thời. Vậy nên, việc hầu hết mộng du không xảy ra trong giấc ngủ REM là điều hợp lý, bởi vì bạn đâu có cách nào đi đi lại lại trong khi các cơ bắp không thể di chuyển.
Có một điều mà các nhà khoa học biết đó là mộng du thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 đến 7 tuổi. Một số nhà khoa học nghĩ rằng trẻ em thường mộng du bởi vì bộ não của trẻ vẫn chưa hoàn toàn phát triển. Có thể là những hormon tăng trưởng đã khiến lũ trẻ bật dậy. Nhưng có lẽ nó cũng liên quan tới chất dẫn truyền thần kinh ức chế. Có một chất dẫn truyền thần kinh gọi là GABA có tác dụng ức chế hệ thống dây thần kinh vận động của bộ não. Đối với người lớn, chất dẫn truyền thần kinh này thường giúp hạn chế các chuyển động của cơ thể. Nhưng ở trẻ em, các nơ-ron mà giải phóng chất dẫn truyền thần kinh này vẫn chưa hoàn toàn phát triển, nên hệ thống dây thần kinh vận động của chúng có thể vẫn hoạt động. Điều này có thể dẫn tới việc lũ trẻ đi đi lại lại trong nhà khi chúng đang ngủ. Nhưng đừng lo, trẻ em thường không còn mộng du nữa khi chúng lớn lên, khi mà não bộ của chúng đã phát triển hoàn thiện.
Có giả thiết cho rằng “hồn rời khỏi xác” khi đang ngủ nên mộng du được xem là hành động nguy hiểm, khiến người trong cuộc trở nên vô hồn. Trên thực tế, đánh thức người mộng du không gây hại cho họ, cho dù khó khăn để khiến họ tỉnh giấc và quay trở lại giấc ngủ bình thường. Một số người mộng du khi thức dậy thường rất bối rối hay sợ hãi. Đàn ông trở nên hung dữ hơn nếu tỉnh giấc trong lúc bị mộng du. Khi mộng du, các bộ phận não tạo ra các hành vi phức tạp vẫn làm việc. Trong khi đó, các phần não lưu trữ ký ức và ra các quyết định lại ngủ, khiến họ không nhớ nổi mình đã làm gì và thường có những hành động đã từng diễn ra trước đó.
Theo trang tin Businessinsider của Mỹ, có khoảng 1 - 5% số người trưởng thành ở quốc gia này mắc chứng mộng du, trẻ em cũng mắc bệnh. Lý do trẻ có giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) ít hơn so với người lớn, nhất là nhóm 3 - 7 tuổi, thường rơi vào nhóm trẻ có tật đái dầm. Tuy nhiên nếu mộng du vẫn tiếp diễn đến tuổi trưởng thành thì hẳn là nó liên quan tới chứng rối loạn thần kinh, ví như ở những người nghiện rượu hoặc trầm cảm. Trong hầu hết trường hợp thì mộng du không nguy hiểm, nhưng nếu như mắc phải chứng này thì nó cũng có thể ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, bạn vẫn nên tới gặp bác sĩ.
Trần Mỹ Hương (NASATI), tổng hợp, 4/2022