Trái đất không tròn hoàn hảo
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/04/2022 01:01 Cỡ chữ
Trái đất được biết đến là hành tinh duy nhất trong vũ trụ có sự sống tồn tại với hình dạng là một hình cầu. Song thực chất hành tinh xanh này có hình dạng khối cầu bẹp ở hai đầu cực Nam và cực Bắc, phồng ra ở phần đường xích đạo.
Giải thích cho hiện tượng này, James Tuttle Keane, nhà khoa học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực thuộc NASA cho biết nguyên nhân là do lực ly tâm hay lực hướng ra ngoài xuất hiện ở một vật thể đang quay. Hành tinh đang quay sẽ chịu tác dụng của lực ly tâm. Các hành tinh và mặt trăng tự quay nên lực ly tâm khiến chúng phình ra ở xích đạo. Ảnh hưởng này có thể rất nhỏ.
Trong hệ Mặt Trời, sao Mộc và sao Thổ là hai ví dụ tương đối dễ thấy. Nếu quan sát ảnh chụp toàn cảnh của các hành tinh khí khổng lồ này, người xem sẽ thấy chúng hơi bẹp và phần giữa phồng ra. Hình dạng bẹp của chúng dễ thấy hơn vì đây là những hành tinh quay nhanh nhất trong hệ Mặt Trời - nhà khoa học hành tinh Keane. Vật thể quay càng nhanh, lực ly tâm tác dụng lên nó càng lớn.
Thực tế nghiên cứu của các nhà khoa học khi các hành tinh và mặt trăng tự quay, lực ly tâm khiến chúng phình ra ở đường xích đạo. Tác động của lực ly tâm đối với các hành tinh trong hệ mặt trời là hiện tượng vật lý ít ai nhận thấy song thực tế nó được kiểm chứng bởi nghiên cứu của khoa học. Một bằng chứng rõ nét nhất về lực ly tâm tác động lên một vật thể trong vũ trụ phải kể đến đó là hành tinh “lùn” Haumea. Hành tinh lùn này nằm trong vành đai Kuiper, một vùng của các vật thể băng giá bên ngoài quỹ đạo của sao Hải Vương. Haumea có kích thích tương đương sao Diêm Vương nhưng quay rất nhanh, cứ 4 giờ lại quay một vòng hoàn chỉnh. Chính tốc độ quay nhanh như vậy đã khiến nó có hình dạng “gần giống một quả trứng”.
Do đó, trái đất không phải là hình cầu tròn trịa như chúng ta vẫn thường thấy mà là một hình cầu dẹt. Điều này dẫn tới điểm cao nhất tính từ tâm trái đất là núi lửa Chimborazo ở Ecuador, quốc gia nằm ở xích đạo mà không phải là đỉnh Everest.
Trần Mỹ Hương (NASATI), tổng hợp, 4/2022