Tại sao ở xích đạo không bao giờ có bão
Cập nhật vào: Thứ năm - 20/07/2023 11:02 Cỡ chữ
Những cơn bão trên Trái đất hiếm khi tiếp cận đường xích đạo, và càng kỳ lạ hơn lạ, chúng thậm chí còn không bao giờ vượt qua ranh giới này. Tại sao lại thế?
Bão giống như một turbine quay khổng lồ lấy năng lượng từ không khí ấm và ẩm. Chúng có xu hướng hình thành ở các vùng biển nhiệt đới có nước ấm trên 26 độ C. Bị nước làm nóng, không khí trên mặt biển bốc lên cao rồi nguội đi, tạo thành mây và giông bão. Lượng khí này bốc lên cũng tạo ra một vùng áp suất thấp bên dưới, khiến không khí tràn vào. Cùng với sự trợ giúp của gió, những điều kiện này có thể khiến một cơn bão bắt đầu hình thành. Cuối cùng, những đám mây phía trên giải phóng mưa và nhiệt xuống bề mặt, tiếp tục cung cấp năng lượng cho cơn bão bên dưới.
Hướng gió và chiều quay của bão được quyết định bởi hiệu ứng Coriolis. Hiểu một cách đơn giản thì Coriolis là hiệu ứng tác động lên một vật khi nó nằm trên một hệ quy chiếu quán tính. Hay nói cách khác, do Trái đất đang tự quay quanh trục của mình, vì vậy các vật thể trên Trái đất đều đang chịu một lực tác động của hiệu ứng Coriolis. Khi một vật chuyển động dọc theo đường bán kính theo chiều rời xa trục quay của Trái đất thì nó sẽ chịu một lực tác động theo phương vuông góc với bán kính và có chiều ngược với chiều quay của Trái đất. Ở Bắc bán cầu, Trái đất xoay khiến không khí bị kéo ngược chiều kim đồng hồ, dẫn đến bão cũng quay ngược chiều kim đồng hồ. Ở Nam bán cầu, điều ngược lại xảy ra nên bão quay theo chiều kim đồng hồ.
Dù hoành hành trên vùng biển nhiệt đới ấm áp, bão hiếm khi hình thành trong phạm vi 300 km quanh đường xích đạo. Năm 2003, bão Vamei hoạt động cách xích đạo chỉ 150 km về phía Bắc, nhưng đó thực sự là một ngoại lệ với tỷ lệ xảy ra chưa đến một lần trong một thế kỷ. Sở dĩ ở xích đạo không có bão vì ở khu vực này, lực Coriolis rất yếu, không đủ để tạo ra các vùng xoáy. Cho dù hội tụ đủ các yếu tố về độ sâu của biển, nhiệt độ nước, độ ẩm không khí… thì bão cũng không thể hình thành được vì điều đó đồng nghĩa với việc chúng phải ngừng quay, đảo ngược hướng và quay theo hướng khác để tiếp tục hoạt động.
Về mặt lý thuyết, một “cơn bão phát triển tốt” có thể đủ mạnh để tiếp tục đà quay, vượt qua lực Coriolis tương đối yếu và đi tới xích đạo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khí tượng, họ chưa từng bắt gặp ví dụ thực tế nào về trường hợp này.
Triệu Cẩm Tú (NASATI), tổng hợp 7/2023