Tại sao kiến đạn được mệnh danh là cắn đau nhất thế giới?
Cập nhật vào: Thứ ba - 29/08/2023 12:01 Cỡ chữ
Kiến đạn (Paraponera clavata), còn được gọi là kiến 24 giờ, kiến conga, chỉ dài hơn một inch (gần 3 cm), nhưng vết cắn của nó có thể gây ra cơn đau không thể so sánh với bất kỳ cơn đau nào trên Trái đất. Kiến đạn sống tại các khu rừng nhiệt đới đất thấp ẩm ướt ở Trung và Nam Mỹ. Chúng được đặt tên theo cơn đau như bị súng bắn mà con người trải qua khi bị chúng đốt. Kiến đạn sống sót nhờ vào mật hoa và những loài động vật chân đốt nhỏ. Loài kiến này cũng có tuổi thọ rất ngắn, thông thường chúng không thể sống quá 90 ngày.
Tiến sĩ Justin Schmidt, nhà côn trùng học người Mỹ, người tạo ra chỉ số đau do côn trùng đốt, đã đánh giá vết đốt của kiến đạn là vết đốt gây đau đớn nhất trên thế giới. Giống như đi chân trần trên than hồng rực lửa với một chiếc đinh dài cắm vào gót chân vậy. Trên thực tế, cơn đau đến từ vết cắn của loài kiến này rất dữ dội, vượt quá ngưỡng cao nhất là 4 trên thang đo mức độ đau đối với vết cắn của côn trùng mà chính ông đã phát triển.
Các nhà nghiên cứu cho biết những vết đốt của kiến đạn có thể gây đau đớn tới 12 giờ và đó là một cơn đau sâu thấu xương kèm theo toát mồ hôi và nổi da gà, hoàn toàn không giống như tác động kéo dài 10 phút của một vết ong đốt thông thường. May mắn thay, cơn đau đến từ vết cắn của kiến đạn sẽ tự tan biến trong vòng 24 giờ - do đó, người Venezuela còn đặt cho chúng biệt danh là “kiến 24 giờ”.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện loài kiến “đốt đau nhất thế giới” là do các độc tố của chúng đi thẳng đến dây thần kinh gây đau của con người. Cụ thể là vào kênh natri của tế bào thần kinh. Nọc độc của loài kiến này nhắm vào các tế bào thần kinh gửi tín hiệu đau của chúng ta
Thông thường, các kênh natri trong các tế bào thần kinh cảm giác này chỉ mở ra trong thời gian ngắn để phản ứng với một kích thích. Chất độc của kiến liên kết với các kênh natri và khiến chúng mở ra dễ dàng hơn, đồng thời luôn mở và hoạt động, điều này dẫn đến tín hiệu đau kéo dài hơn. Và những chất độc thần kinh nhắm vào các kênh natri này chỉ có ở loài kiến.
Nọc độc từ kiến đạn đã được người Amazon bản địa sử dụng trong nhiều thế kỷ để điều trị bệnh thấp khớp. Ngoài ra, nọc độc từ nhiều loài kiến khác nhau đã được sử dụng ở Ấn Độ để cải thiện thị lực, ở Ma-rốc để giảm mệt mỏi và ở Úc để điều trị đau đầu. Phát hiện này giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của cơn đau và cách điều trị.
Triệu Cẩm Tú, (NASATI), tổng hợp 8/2023