Năng lượng tái tạo - “Mỏ vàng” của Tây Nguyên
Cập nhật vào: Thứ hai - 05/09/2022 11:02 Cỡ chữ
Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở các khắp quốc gia trên toàn thế giới, trong đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó trong những năm qua, Việt Nam càng ngày càng chú trọng việc phát triển bền vững và tăng trưởng xanh gắn với mục tiêu giảm thiểu phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.470 km2, bằng 1/6 diện tích cả nước, với dân số gần 6 triệu người, có đường biên giới dài hơn 600 km giáp Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Đây là khu vực có vị trí địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái đa dạng và là địa bàn chiến lược phòng thủ rất quan trọng. Tây Nguyên có nhiều loại địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau với độ cao trung bình khoảng 500-600 m so với mặt biển.
Thời tiết ở Tây Nguyên là tuy khô cằn, nhiều nắng gió nhưng lại là nơi có cường độ bức xạ tốt, rất thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, nếu biết tận dụng đầu tư khai thác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Tháng 3/2019, cụm công trình điện mặt trời Sêrêpôk tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn được khánh thành sau 6 tháng khởi công. Mỗi năm cụm điện mặt trời này sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 150 triệu kwh, thu ngân sách khoảng 300 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ha đất cằn ở huyện biên giới sẽ mang lại doanh thu gần 3 tỷ đồng mỗi năm.
Tây Nguyên còn được coi là thủ phủ điện gió khi có hàng loạt dự án liên quan đến năng lượng tái tạo. Ví dụ như dự án Nhà máy điện gió Ea Nam ở huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk chẳng hạn, đây là dự án có tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, sản lượng điện đạt khoảng 1,1 tỷ kWh/năm. Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam là dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk và là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay, mang lại nguồn năng lượng sạch và bền vững cho Tây Nguyên, giảm ô nhiễm không khí, giảm phát thái khí nhà kính.
Với những tiềm năng và sự ưu đãi về cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo trong và ngoài nước đã chọn Đắk Lắk là địa phương để phát triển các dự án, nhất là dự án điện gió với 47 dự án đăng ký đầu tư, tổng công suất khoảng 10.000MW.
Các dự án năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, giúp người dân trực tiếp thụ hưởng các tiện ích từ điện sạch, hệ thống đường giao thông được bê tông hóa và các công trình phúc lợi mà các dự án mang lại… góp phần ổn định kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.
Triệu Cẩm Tú, (NASATI), tổng hợp 9/2022