Kỳ lân của Châu Á, loài thú bí ẩn của Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 06/06/2022 01:03 Cỡ chữ
SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam vừa kết thúc sau nhiều ngày tranh tài giữa các quốc gia. Và loài vật được chọn làm linh vật của SEA Games 31 xuất hiện trên khắp các đường phố ở Hà Nội và 11 tỉnh thành khác chính là: Sao la - Loài động vật ít người biết đến, đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam vào năm 1992 tại vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Sao la chính là một trong những loài động vật được tổ chức World Wide Fund for Nature (Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên thế giới) chú trọng đặc biệt trong việc bảo tồn. Thậm chí đã có một nhóm tên là Saola Working Group được thành lập, quy tụ những nhà khoa học hàng đầu thế giới với dự án bảo tồn có kinh phí lên đến hàng triệu đô la.
Nhưng tại sao Sao la lại được mệnh danh là Kỳ lân Châu Á, và được các nhà khoa học trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đến vậy?
Tất cả là bởi sự bí ẩn và quý hiếm của Sao la.
Việc phát hiện ra Sao la đã khiến giới bảo tồn của toàn thế giới phải chấn động bởi từ cuối thế kỷ 20, chỉ có năm loài thú lớn được tìm thấy. Và cho đến giờ vẫn chưa có nhà nghiên cứu nào được tận mắt nhìn thấy Sao la ngoài tự nhiên. Những hình ảnh hoang dã hiếm hoi của Sao la có được đều nhờ vào hệ thống bẫy ảnh do các nhà bảo tồn thiết lập trong các khu rừng đặt tại Lào và Việt Nam. Dù cho Trung tâm nhân giống Sao la đầu tiên trên thế giới được đặt tại Vườn quốc gia Bạch Mã đã sẵn sàng cho việc bảo tồn, nhân giống Sao la nhưng đây vẫn chỉ là mong ước xa xỉ của các nhà bảo tồn. Và kể từ năm 2013, người ta chưa hề ghi nhận lại một trường hợp xuất hiện nào của sao la trong tự nhiên cũng như bất kì ảnh nào được chụp lại.
Theo những hình ảnh ghi nhận được thì Sao la có tên khoa học Pseudoryx nghetinhensis, một trong những loài thú hiếm nhất thế giới, sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào. Sao la trưởng thành cao 0,9 m, dài 1,2 m - 1,5 m, nặng 80-100 kg, con nhỏ nặng 4-5 kg. Loài này mã đẹp, lông màu nâu sẫm mượt như nhung lụa, sừng nhọn hoắt dài 50-70 cm. Dấu chân chúng như dấu chân bò, chúng khá nhút nhát, thường đi ăn vào buổi tối, nếu nghe tiếng động hoặc ngửi thấy hơi người thì lập tức bỏ chạy vào rừng sâu.
Người ta gọi loài động vật này là Sao la, là do cặp sừng của chúng rất giống với cái se sợi dệt vải của người dân tộc Thái, có tên là sao la, nên lấy luôn tên này để đặt tên, thay vì là dê rừng như người địa phương vẫn quen gọi.
Không chỉ mang biểu tượng của sự độc nhất, Sao la còn dẻo dai và bền bỉ, thân hình cân đối, cơ bắp chắc khỏe và cặp sừng dài độc đáo khiến chúng trở nên vô cùng ấn tượng và hoàn toàn khác biệt. Sao la được xếp hạng mức “Cực kỳ nguy cấp” trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong sách đỏ của Việt Nam, cũng là mức cuối cùng trước khi được liệt vào danh sách “Bị tuyệt chủng”.
Triệu Cẩm Tú (NASATI), Tổng hợp 6/2022