Có nên kết hợp sữa đậu nành với trứng không?
Cập nhật vào: Thứ ba - 31/10/2023 01:23 Cỡ chữ
Trong quá trình chế biến thực phẩm cũng như vấn đề ăn uống, sự kết hợp giữa một số thực phẩm có thành phần dinh dưỡng kỵ nhau sẽ tạo nên những chất không có lợi cho sức khỏe, gây ngộ độc. Một trong số đó là sự kết hợp giữa trứng với sữa hạt đậu nành.
Theo Viện Dinh dưỡng Việt Nam, thành phần dinh dưỡng trong 100gr đậu nành có chứa 34g chất đạm, 18g chất béo, 24g chất tinh bột, nhiều vitamin. Lượng đạm có được từ đậu nành cao hơn cá và thịt bò. Đậu nành có ba loại chất dinh dưỡng sinh năng lượng là protein, lipid, glucid. Hàm lượng protein trong đậu nành đặc biệt cao và có đến 18 loại axit amin thiết yếu.
Trong trứng gà chứa 11,6g chất béo, 55mg canxi còn trong trứng vịt chứa 14,2g chất béo, 71mg canxi. Một quả trứng vịt chứa 130 calo, gấp đôi lượng calo trong trứng gà. Hàm lượng protein, chất béo bão hòa, vitamin của trứng vịt cũng nhiều hơn so với trứng gà.
Trứng và sữa đều bổ dưỡng, chứa nhiều protein, chất béo và một số khoáng chất, là món ăn phổ biến cho bữa sáng. Tuy nhiên nếu kết hợp cùng một lúc sẽ không tốt do sữa đậu nành chứa chất gọi là trypsin, kết hợp với ovalbumin của lòng trắng trứng, sẽ làm mất đi thành phần dinh dưỡng, làm giảm giá trị dinh dưỡng của cả hai.
Men Trypsin kết hợp cùng lòng trắng trứng sẽ tạo thành hợp chất kết tủa làm cơ thể khó hấp thu.
Sữa đậu nành có khả năng ức chế hoạt động của enzyme protease, một trong các enzym thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Bởi vậy, ăn trứng và uống sữa đậu nành sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng.
Để đảm bảo hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ hai loại thực phẩm này, cách tốt nhất bạn nên tách riêng không ăn cùng một lúc, thay vào đó bạn có thể ăn hai món này ở thời gian khác nhau để phân chia lượng đạm thích hợp. Bên cạnh đó cần một số lưu ý khi dùng sữa đậu nành:
+ Không nên dùng đường đỏ pha sữa đậu nành: Trong đường đỏ có chứa các axit hữu cơ như axit lactic, axit axetic… khi kết hợp các chất protein, can-xi sẽ tạo thành các hợp chất biến tính, làm mất đi các chất dinh dưỡng của sữa đậu nành, đồng thời ảnh hưởng tới sự hấp thu của hệ tiêu hóa.
+ Không nên uống thuốc cùng sữa đậu nành: Một số loại thuốc, đặc biệt các thuốc kháng sinh như tetracycline, erythromycine có tác dụng phân hủy chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành. Do đó, tránh uống kháng sinh cùng lúc với sữa đậu nành. Nên uống cách nhau khoảng 1 giờ để đảm bảo không có phản ứng hóa học xảy ra.
+ Không uống sữa đậu nành khi đói: Khi uống sữa đậu nành lúc đói, các protein sẽ thay đổi thành nhiệt và được tiêu thụ trong cơ thể, mà không phát huy được tác dụng của sữa. Bạn nên ăn một số thực phẩm giàu tinh bột khi uống sữa như bánh mì, bánh ngọt… Dưới tác động của tinh bột, protein hoàn toàn có thể phản ứng với dịch dạ dày và làm cho các chất dinh dưỡng được hấp thụ hoàn toàn.
+ Không nên dùng quá nhiều sữa đậu nành trong ngày: Đối với người lớn, không nên uống quá 500ml/lần. Nếu uống quá nhiều dễ dẫn đến đau bụng, đi ngoài do các chất dinh dưỡng không được hấp thu hết, ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa
+ Không kết hợp sữa đậu nành với rau chân vịt: Rau chân vịt có chứa axit oxalic, khi kết hợp với canxi trong rau chân vịt sẽ tạo thành chất kết tủa không tan là canxi oxalat trong dạ dày.
+ Không kết hợp sữa đậu nành với hành lá: Đậu nành chứa rất nhiều chất dinh dưỡng gồm canxi, protein… Nhưng trái lại, hành lá lại chứa rất nhiều axit oxalic. Khi kết những chất này với nhau, lượng axit oxalic trong hành lá sẽ phân hủy canxi trong đậu nành, gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Nếu để tình trạng này kéo dài, sẽ dẫn đến việc hình thành những kết tủa không tan trong dạ dày của bạn.
Trần Mỹ Hương (NASATI), tổng hợp 10/2023