Bảy thực phẩm không tốt cho sức khỏe như bạn nghĩ
Cập nhật vào: Thứ sáu - 06/05/2022 01:05
Cỡ chữ
Nhiều loại thực phẩm được cho “lành mạnh” mà chúng ta ăn, thực sự không phải như vậy, thậm chí một số loại còn là “siêu thực phẩm”. Những loại thực phẩm này vẫn chiếm ưu thế nhờ có các chiến dịch tiếp thị thông minh, nhưng nếu đọc các thành phần trên nhãn, bạn sẽ dễ dàng nhận ra chúng không tốt cho sức khỏe như bạn nghĩ. Lợi ích sức khỏe của các thực phẩm này được phóng đại quá mức. Dưới đây là một số loại thực phẩm đó.
Thanh năng lượng
Thanh năng lượng về cơ bản chỉ là những thanh kẹo được bổ sung protein và chất xơ. Chúng được làm từ các thành phần nhân tạo và một số loại chứa nhiều đường và chất béo. Ngoài câu hỏi về việc liệu các thanh năng lượng có tốt cho bạn không, chúng cũng không ngon. Thanh năng lượng làm tăng carbohydrate, nhưng hương vị của chúng không ngon như bao bì quảng cáo.
Nếu bạn không thể ngừng sử dụng các thanh năng lượng, hãy lựa chọn một cách khôn ngoan những loại có ít thành phần. Bởi khi bạn càng thấy nhiều chất phụ gia, đặc biệt là rượu đường dư thừa (sorbitol, maltitol) có thể gây đau dạ dày, thì thanh năng lượng càng ít được xem là “lành mạnh”. Dầu cọ, chất phân lập protein đậu nành và chất độn cũng là những dấu hiệu nổi bật. Vì thế, bạn hãy tìm các thành phần mà bạn dễ nhận ra, như sô cô la đen, các loại hạt và muối biển.
Khoai tây chiên
Khoai tây chiên là món ăn yêu thích. Tuy nhiên, khoai tây chiên chứa ít nguyên liệu thực vật. Hầu hết các loại khoai tây chiên đều chứa nhiều tinh bột khoai tây hoặc bột khoai tây hơn rau củ. Khoai tây chiên được tạo màu từ bột rau mà không phải từ rau thái lát. Thêm vào đó, cách chúng được nấu chín và chế biến sẽ phá hủy nhiều vitamin và chất chống oxy hóa. Nếu bạn yêu thích món khoai tây chiên, hãy tự làm khoai tây chiên tại nhà trong lò nướng.
Ngũ cốc tăng cường vitamin
Bạn có thể nghĩ rằng ngũ cốc là lựa chọn lành mạnh cho bữa sáng. Nhưng nhiều nhãn hiệu ngũ cốc bạn thấy trong siêu thị, khó có thể tốt hơn kẹo. Một số loại ngũ cốc ăn sáng ghi trên nhãn là bổ sung vitamin và khoáng chất. Các vitamin tổng hợp này bù đắp cho tất cả “những thứ tốt” bị loại bỏ trong quá trình chế biến. Nó không bù đắp được sự thiếu hụt chất xơ và lượng đường dồi dào trong các loại ngũ cốc này. Nũ cốc ăn sáng chỉ là một ví dụ về vấn đề phổ biến: Ngành công nghiệp thực phẩm đang thay thế một cách có hệ thống các thành phần thực tế trong thực phẩm bằng các sản phẩm thay thế rẻ tiền và sử dụng quảng cáo để thuyết phục mọi người rằng sản phẩm có vị ngon như nhau.
Sữa chua hương liệu
Nếu bạn đang ăn sữa chua vì nó có lợi cho sức khỏe, hãy chọn sữa chua nguyên chất thay vì các loại có hương liệu. Nếu bạn có thể dung nạp sữa, sữa chua vẫn là một nguồn cung cấp protein, vitamin B, canxi, kẽm, kali và magiê. Tuy nhiên, hầu hết các loại sữa chua trong siêu thị đều có hương vị và chất tạo ngọt. Sữa chua trái cây có lượng đường tương đương với một thanh kẹo một ounce (1 ounce = 28,3g). Nếu bạn định ăn sữa chua, nên chọn sữa chua nguyên chất và tự làm ngọt bằng trái cây tươi.
Gạo lức
Gạo lứt thường được quảng cáo là tốt cho sức khỏe hơn gạo trắng. Bởi vì gạo lứt chứa nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng hơn gạo trắng đã loại bỏ lớp cám và mầm gạo. Tuy nhiên, sự thật ít người biết là gạo lứt có thể chứa asen, kim loại nặng độc hại. Theo tạp chí Consumer Reports, gạo lứt chứa nhiều asen vô cơ hơn 80% so với gạo trắng. Cây lúa đóng vai trò như miếng xốp, hút asen từ đất và nước. Thực tế, gạo lứt chứa nhiều asen hơn gạo trắng do asen tích tụ trong vỏ hạt. Vì thế, bạn nên chuyển gạo lứt sang hạt diêm mạch, loại hạt ít asen có một số đặc tính của gạo lứt và thậm chí còn đậm đặc hơn về chất dinh dưỡng.
Nếu bạn không từ bỏ gạo lứt, hãy giảm tiếp xúc với asen trong gạo bằng cách vo gạo kỹ, nấu chín bằng cách sử dụng nhiều nước và để ráo nước trước khi ăn.
Siro cây thùa
Mặc dù là chất làm ngọt tự nhiên, nhưng siro cây thùa không hề tốt cho sức khỏe. Nó tệ hơn đường vì chứa nhiều fructose hơn siro từ ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS), có liên quan đến béo phì và nhiều bệnh mãn tính.
Mặc dù tiếp thị khéo léo, siro cây thùa chứa nhiều đường fructose hơn bất kỳ sản phẩm nào khác trên thị trường, ở mức từ 70-90%. Hầu hết đường ăn chứa 50% fructose. Mật ong thường là 40%. Siro ngô có hàm lượng fructose cao, dao động từ 55% đến 90%. Siro cây thùa thường chứa từ 70% đến 90% fructose.
Ngoài ra, siro cây thùa có thể chứa nhiều thuốc trừ sâu hơn, vì cây thùa hấp thụ mọi thứ có trong đất trồng. Vì vậy, trừ khi bạn mua siro cây thùa hữu cơ, nếu không nó cũng sẽ chứa thuốc trừ sâu.
Nước ép trái cây
Nước ép trái cây là có thể chứa những thứ không tốt. Cam chứa nhiều đường, nhưng cũng có chất xơ. Chất xơ làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, có nghĩa là uống một cốc nước cam sẽ làm tăng lượng đường trong máu hơn là ăn cả một quả cam.
Lợi ích của nước trái cây chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Uống một ly nước cam vào bữa sáng sẽ cung cấp nhanh cho bạn một nguồn năng lượng, nhưng bạn sẽ đói trở lại ngay sau đó, vì không có chất xơ để giữ ổn định lượng đường huyết.
Điều này tương tự như với tất cả các loại nước ép trái cây. Trái cây nguyên chất tốt cho sức khỏe hơn bất kỳ loại trái cây nào ở dạng nước ép, vì hoa quả nguyên trái vẫn giữ được chất xơ. Đừng bỏ ăn trái cây, nhưng hãy ngừng uống nước ép mà nên ăn cả quả.
N.P.D (NASATI), theo https://scitechdaily.com/7-health-food-imposters-that-arent-as-healthy-as-you-think/, 20/4/2022