Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vịt Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa
Cập nhật vào: Thứ năm - 07/03/2024 00:01
Cỡ chữ
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện bá Thước, Thanh Hoá, năm 2016, tổng đàn gia cầm của huyện có khoảng 566 ngàn con, trong đó gà có 474 ngàn con chiếm 83,7% tổng đàn; vịt có 65 ngàn con, chiếm 11,5 % tổng đàn, còn lại là những loại gia cầm khác. Do giá cả thị trường và dịch cúm gia cầm, đàn gia cầm biến động tăng giảm theo từng năm không ổn định, tuy nhiên trong cả giai đoạn 2011-2015 tổng đàn gia cầm tăng bình quân 1,2%/năm. Theo xu thế hiện nay, đàn vịt Cổ Lũng có biến động tăng. Năm 2010 đàn vịt Cổ Lũng đã chọn lọc được 600 con, qua các năm đàn Vịt Cổ Lũng được phục hồi và phát triển đến năm 2012 có 15 ngàn con, năm 2015 có 21 ngàn con; năm 2016 có 22 ngàn con. Hiện nay vịt Cổ Lũng được nuôi tập trung ở các xã khu vực Quốc Thành với tổng đàn năm 2019 khoảng 63.900 con. Với xu thế hội nhập kinh tế, nền kinh tế thị trường đang ngày càng đòi hỏi các sản phẩm phải có chất lượng cao, có sự đảm bảo về chất lượng, giá cả ổn định, đặc biệt phải có thương hiệu và kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ.
Chính vì vậy, một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho sản phẩm vịt Cổ Lũng là phải xác định được tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường, tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy việc phát triển một loại vật nuôi có giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Vì thế, KS. Nguyễn Văn Dũng và nhóm nghiên cứu tại UBND huyện Bá Thước đã thực hiện đề tài: “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vịt Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa” từ năm 2019 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là nhằm thiết lập được cơ chế bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vịt Cổ Lũng, huyện Bá Thước nhằm nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm vịt trên thị trường; góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, kinh doanh vịt và các sản phẩm từ vịt trên địa bàn huyện Bá Thước nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Đề tài đã đưa ra một số kết luận như sau:
1. Vịt Cổ Lũng có các đặc thù riêng về ngoại hình và chất lượng khác biệt so với các giống vịt khác. Hầu hết các chỉ tiêu ngoại hình quả gồm: Protein, khoáng tổng số và vitamin B1 đều cao hơn vịt ở Quan Hóa và ở Cẩm Thủy, nhưng hàm lượng lipit thấp hơn.
2. Vùng chăn nuôi vịt Cổ Lũng có các đặc thù về điều kiện tự nhiên khác biệt với những nơi khác, bao gồm:
- Đặc thù về địa hình: Vùng chăn nuôi vịt Cổ Lũng thuộc khu vực miền núi cao nhất của huyện Bá Thước. Vùng nuôi vịt có độ cao từ 50 - 1.000 m, có khí hậu mát mẻ quanh năm tạo điều kiện tốt cho vịt sinh trưởng và phát triển.
- Đặc thù về biên độ nhiệt ngày đêm: Biên độ nhiệt ngày đêm tại vùng chăn nuôi vịt rất lớn từ 8 -12oC, thậm chí có ngày chênh lệch lên đến 18oC.
- Đặc thù về nguồn nước: Vịt Cổ Lũng chủ yếu được chăn thả trên dòng suối Nủa và những nhánh suối lân cận, với hàm lượng Ca2+ trong nước ở mức rất cao (58 - 68 mg/l).
3. Bản đồ chỉ dẫn địa lý cho vùng chăn nuôi vịt Cổ Lũng được xây dựng ở tỷ lệ 1/25.000. Đây là vùng địa lý chăn nuôi vịt Cổ Lũng cho sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí về đặc thù của vịt Cổ Lũng.
4. Hệ thống nhận diện sản phẩm vịt Cổ Lũng đã được thiết kế với những yếu tố đặc trưng nhất về sản phẩm và vùng chăn nuôi vịt Cổ Lũng.
5. Hệ thống văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý "Cổ Lũng - Bá Thước" đã được cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý là UBND huyện Bá Thước thẩm định và ban hành. Mẫu biểu tượng chỉ dẫn địa lý và hệ thống nhận diện chỉ dẫn địa lý được xây dựng và thống nhất, áp dụng trong thực tế. Các công cụ kiểm soát nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm được xây dựng hoàn thiện và ứng dụng thí điểm thực tế.
Khi các kết quả của nghiên cứu được phát huy trên thực tế, sẽ tạo ra niềm tin cho người sản xuất và kinh doanh vịt Cổ Lũng, cũng như niềm tin của người tiêu dùng, góp phần gia tăng quy mô sản xuất và sản lượng sản phẩm được lưu thông trên thị trường.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19613/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)