Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dầu tràm Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế
Cập nhật vào: Thứ năm - 19/09/2024 13:09 Cỡ chữ
Nhằm bảo vệ, gìn giữ nguồn gốc địa lý, danh tiếng và tính chất đặc thù của dầu tràm Huế, tăng cường lợi thế so sánh cho sản phẩm trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngày 30/05/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành công văn số 3738/UBND-DL về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dầu tràm Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, giao Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan để xây dựng thuyết minh, trình phê duyệt dự án và tổ chức thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, tiến độ và nội dung sau khi được phê duyệt, tham mưu UBND tỉnh nộp đơn đăng ký CDĐL theo quy định hiện hành.
Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các cấp chính quyền, sự nghiên cứu tận tình của các nhà khoa học và sự ủng hộ nhiệt tình của toàn thể cộng đồng sản xuất, kinh doanh dầu tràm Huế, dự án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sau khi thẩm định kỹ lưỡng các điều kiện bảo hộ CDĐL, ngày 03 tháng 12 năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận số 00096 theo Quyết định 4656/QĐ-SHTT, bảo hộ CDĐL “Huế” cho sản phẩm tinh dầu tràm của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Hồ Thắng cùng nhóm nghiên cứu tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện đề tài “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dầu tràm Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế” với mục tiêu: Bảo hộ thành công CDĐL cho sản phẩm dầu tràm Huế và xây dựng được cơ sở pháp lý, khoa học và triển khai bước đầu công tác quản lý và phát triển CDĐL và hoạt động kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm dầu tràm Huế.
Sau thời gian triển khai, dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dầu tràm Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế” đã hoàn thành toàn bộ 11 sản phẩm hoạt động dự án đề ra. Kết quả của dự án đáp ứng các yêu cầu đề ra trong quá trình phê duyệt triển khai dự án. Cụ thể:
1) 3 Báo cáo kết quả khảo sát gồm có: (i) Lịch sử hình thành nghề sản xuất và sản phẩm dầu tràm Huế; (ii) Đặc điểm địa lý, tự nhiên vùng phân bố của cây tràm và khu vực sản xuất, hiện trạng khai thác tràm nguyên liệu; các điều kiện về khí tượng, thủy văn, thổ nhưỡng của vùng trồng và khai thác cây tràm tại tỉnh Thừa Thiên Huế. (iii) Nguồn gốc giống cây tràm dùng để sản xuất dầu tràm tại tỉnh Thừa Thiên Huế; đặc điểm sinh học của cây tràm; chất lượng dầu tràm Huế và dầu tràm các địa phương khác.
2) 1 Bộ Hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) theo quy định.
3) 1 Bộ Hồ sơ kết quả xác lập quyền đối với CDĐL cho sản phẩm dầu tràm Huế.
4) 1 Bộ Hồ sơ đăng ký thành lập Hội sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế.
5) 1 Hệ thống các công cụ, tài liệu phục vụ quản lý, khai thác và hỗ trợ phát triển CDĐL bao gồm: Đề xuất mô hình quản lý CDĐL dầu tràm Huế; Quy định kiểm soát nội bộ CDĐL; Quy định về kỹ thuật trong sản xuất, chế biến dầu tràm mang CDĐL; Quy định về cấp, sửa đổi, gia hạn và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL; Hệ thống sổ sách ghi chép theo dõi quá trình kiểm soát nội bộ cho Hội sản xuất kinh doanh dầu tràm Huế; Mẫu logo CDĐL; Sổ tay hướng dẫn quản lý và sử dụng CDĐL; Phần mềm quản lý và sử dụng hệ thống CDĐL; Mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL.
6) 1 Hệ thống thông tin truy xuất sản phẩm mang CDĐL kèm theo Báo cáo tổng kết hoạt động hỗ trợ tổ chức kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm dầu tràm mang CDĐL.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20207/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)