Xây dựng quy trình trồng, chiết xuất và sản xuất viên nang mềm từ thân rễ cây xạ can (Belamcanda chinensis) hỗ trợ điều trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp
Cập nhật vào: Thứ sáu - 10/03/2023 00:04 Cỡ chữ
Nghiên cứu về hóa học và hoạt tính sinh học của cây Xạ can ở Việt Nam chưa nhiều. Mới chỉ thấy một vài kết quả sơ bộ về hoạt tính sinh học của vị thuốc xạ can trong điều trị bệnh viêm họng của Phạm Thị Bích Thảo (Khóa luận Dược sĩ, trường Đại học Dược, 2007); phân lập neolignan và isoflavonoid của Bùi Thị Bình và cộng sự (Tạp chí Dược học, 2014); tác dụng sinh học của dịch chiết cồn và nước thân rễ xạ can của Nguyễn Văn Dư (Tạp chí Y học thực hành, 2008);
Gần đây, các nghiên cứu của PGS. TS Lê Minh Hà và cộng sự Viện Hàn lâm KHCN VN đã nghiên cứu thành công quy trình chiết xuất chế phẩm Tecan chiết xuất từ thân rễ Xạ can chứa các hoạt chất tectorigenin và tectoridin với 4 tác dụng phối hợp nổi trội là kháng viêm, giảm ho, giảm đau, long đờm và chế phẩm có tính an toàn cao (Tạp chí Dược liệu, 2012). Mặt khác, hiện nay nhu cầu thị trường về cung cấp dược liệu sạch Xạ can cũng đang phát triển, ước tính khoảng vài chục tấn dược liệu khô/ năm, giá dược liệu trên thị trường hiện nay khá cao, khoảng 200.000đ - 260.000đ/kg khô và chủ yếu vẫn nhập từ Trung Quốc. Việt Nam chưa thấy có vùng dược liệu nào trồng Xạ can mà mới chỉ thấy trồng rải rác ở các vườn thuốc gia đình và hộ nông dân. Viên nang mềm Tecan (viên nang mềm có chứa 2 hoạt chất chính là tectoridin và tectorigenin) hỗ trợ điều trị được một số bệnh viêm đường hô hấp trên như: viêm mũi họng, viêm amidan, viêm khí quản, viêm thanh quản, khản tiếng, ho, ho có đờm. Xuất phát từ những lý do trên, BS. CkII Bùi Thị Minh Nguyệt cùng nhóm nghiên cứu tại Công ty Cổ phần thương mại dược vật tư y tế Khải Hà đã thực hiện đề tài: “Xây dựng quy trình trồng, chiết xuất và sản xuất viên nang mềm từ thân rễ cây xạ can (Belamcanda chinensis) hỗ trợ điều trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp” từ năm 2017 đến năm 2020.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: nghiên cứu, xây dựng vùng trồng dược liệu Xạ can có chất lượng cao và sản lượng ổn định để làm nguyên liệu công nghệ chiết xuất hoạt chất tectoridin và tectorigenin; nghiên cứu quy trình sản xuất để sản xuất thử nghiệm và đánh giá kết quả sản phẩm thử nghiệm, cải tiến dây chuyền thiết bị, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã phát triển thành công mô hình trồng dược liệu Xạ can theo tiêu chuẩn GACP- WHO với diện tích 15,026 ha. Mô hình này đã tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây Xạ can cho thu hoạch cao gấp trên 2 lần cấy lúa cho hơn 70 hộ dân thuộc huyện Thái Thụy, huyện Quỳnh Phụ, huyện Vũ Thư của tỉnh Thái Bình.
- Đã làm chủ được quy trình chiết tách và tinh chế 2 hoạt chất Tectorigin và Tectorigenin có độ sạch ≥90%. Quy trình công nghệ này đã được đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đây cũng sẽ là định hướng phát triển trong thời gian tới, đó là bán dưới dạng nguyên liệu sạch cho các nhà máy sản xuất dược phẩm.
- Xây dựng và làm chủ quy trình kỹ thuật sản xuất viên nang mềm Tecan với công suất 100.000 viên/mẻ với điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị hiện phù hợp với thực tế của nhà máy. Sản phẩm đã được thử nghiệm độ an toàn, độc tính, tác dụng, lâm sàng trên bệnh nhân tình nguyện và đã được đăng ký sản phẩn thực phẩm chức năng tại Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế.
Việc phát triển nguồn dược liệu Xạ can sạch và sản xuất được các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh có tác dụng tốt và tính an toàn cao, đặc biệt là hỗ trợ điều trị các bệnh về viêm họng, ho, ho có đờm… đưa ra thị trường thêm một sản phẩm mới, cạnh tranh được so với các mặt hàng cùng loại, tăng thêm sự lựa chọn cho người bệnh là nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp và các nhà khoa học. Mặt khác, việc phối hợp giữa doanh nghiệp để phát triển các kết quả nghiên cứu khoa học đã thành công ở qui mô thực hiện đề tài là công việc rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18142/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)