Xây dựng mô hình sản xuất cây ngô và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi trâu, bò của người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 02/10/2024 00:08 Cỡ chữ
Một trong những thách thức lớn nhất đối với chăn nuôi trâu, bò tại Quảng Nam là việc thiếu nguồn thức ăn thô xanh có chất lượng, nhất là vào mùa mưa bão. Để dự trữ thức ăn các hộ chăn nuôi chế biến thức ăn bằng cách phơi khô (rơm rạ, cỏ ...) cách chế biến này làm mất nhiều dinh dưỡng, ảnh hưởng đến tiêu hóa... Vì vậy, trồng ngô, cỏ lấy sinh khối và ủ chua bằng chế phẩm vi sinh là một trong những biện pháp kỹ thuật tiên tiến vừa giúp dự trữ tốt được thức ăn vừa đảm bảo nguồn thức ăn có chất lượng tốt cho trâu bò, đây là phương pháp chế biến và dự trữ thức ăn cho trâu, bò hiện đang được sử dụng rất nhiều tại các vùng chăn nuôi thâm canh năng suất cao.
Tại Mỹ, ngô ủ chua là nguồn thức ăn quan trọng chiếm khoảng 30-40% khẩu phần hàng ngày của bò ở những trang trại tại Pennsylvania. Ở nước ta, Viện Nghiên cứu ngô đã nghiên cứu thành công giống ngô HQ2000 cho năng suất sinh khối xanh cao, sinh trưởng phát triển tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao (Hàm lượng Protein 11%), đồng thời cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của nước ta, hiện đang được nhiều địa phương như Sơn La, Nghệ An, Bình Định, Đồng Tháp... phát triển mô hình trồng ngô sản xuất sinh khối xanh làm thức ăn chăn nuôi gia súc đạt hiệu quả thiết thực.
Chăn nuôi trâu, bò thịt và sinh sản là một trong những thế mạnh và cho thu nhập cao tại các vùng nông thôn và miền núi Quảng Nam. Tuy nhiên diện tích đồng cỏ dùng vào chăn nuôi rất ít, chủ yếu tận dụng các gò bãi hoang hóa, các bìa rừng để chăn thả tự nhiên, chưa ứng dụng công nghệ ủ chua thức ăn phục vụ chăn nuôi nên năng suất và hiệu quả còn rất thấp. Bên cạnh đó, do đặc thù của khí hậu nên mưa tập trung theo mùa từ tháng 9-12 hằng năm kèm theo bão và lạnh nên đã dẫn đến khan hiếm thức ăn tự nhiên trầm trọng trùng vào mùa mưa lạnh nên trâu, bò đói, ốm, kiệt sức, dẫn đến bệnh tật và chết nhiều.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm dự án Bùi Thị Như Thủy cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu ngô, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất cây ngô và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi trâu, bò của người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam” với mục tiêu: Ứng dụng thành công tiến bộ KH&CN trong xây dựng mô hình sản xuất cây ngô và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi trâu, bò của người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Dự án đã triển khai đúng mục tiêu, đảm bảo nội dung, đầy đủ các sản phẩm theo thuyết minh và hợp đồng ký kết dự án, cụ thể:
- Cơ quan chủ trì đã tiếp nhận, hoàn thiện và làm chủ được 7 quy trình công nghệ từ Viện nghiên cứu ngô và Viện chăn nuôi áp dụng sản xuất hạt giống F1 ngô lai HQ 2000 và chế phẩm vi sinh vật ủ chua tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ. Đồng thời hướng dẫn các hộ dân nắm bắt thực hiện thành thạo quy trình trồng ngô thương phẩm, ủ chua cây ngô và quy trình chăn nuôi trâu bò bổ sung thức ăn ủ chua.
- Đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan CGCN đào tạo được 4 cán bộ kỹ thuật của cơ quan chủ trì và 10 KTV tiếp nhận, làm chủ các quy trình công nghệ được chuyển giao; tập huấn cho 200 hộ nông dân về các quy trình kỹ thuật;
- Xây dựng được 5 mô hình: Mô hình sản xuất hạt giống ngô lai F1 HQ2000 tại tỉnh Quảng Nam; mô hình sản xuất ngô thương phẩm giống ngô lai HQ2000 làm thức ăn xanh tại tỉnh Quảng Nam, mô hình sản xuất chế phẩm ủ chua vi sinh vật cấy; mô hình ủ chua cây ngô làm thức ăn gia súc và mô hình chăn nuôi trâu bò thịt. Các mô hình áp dụng tốt các quy trình công nghệ vào sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20227/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)