Xây dựng mô hình nâng cao thu nhập của người dân thông qua liên kết ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, quản lí trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều tại xã Xây dựng NTM Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang
Cập nhật vào: Thứ ba - 24/12/2019 20:45 Cỡ chữ
Vải thiều (Litchi chinensis) là cây trồng đặc sản đem lại kim ngạch xuất khẩu cao. Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ ước đạt 5.306 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.123 tỷ đồng tương đương trên 90 triệu USD. Nhưng nhược điểm của cây vải là mùa vụ thu hoạch vải ngắn, quả không để được lâu do dễ bị thối hỏng, thường xuyên bị nứt vỏ quả nên mẫu mã rất xấu và dễ bị nâu hóa sau thu hoạch 2-3 ngày dẫn đến quả vải bị giảm giá trị thương phẩm, khó cạnh tranh và xuất khẩu. Mặc dù đã có một số biện pháp cải thiện chất lượng, đưa vào sấy khô, chế biến nước quả ép nhưng chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Hiện nay vải chủ yếu là tiêu thụ tươi, xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch 28.000 tấn (năm 2016), chiếm 76,5% tổng sản lượng xuất khẩu 36.600 tấn. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu điểm thuận lợi nhất của quả vải thiều Lục Ngạn. Nhưng cũng là thị trường tiềm ẩn rất nhiều thách thức khi Trung Quốc đưa ra các rào cản kỹ thuật, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, để ổn định được thị trường nội địa và xuất khẩu vải thiều thì không có con đường nào khác là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và mở rộng sang các thị trường khác như: Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Canada, Trung Đông, các nước Asean… Muốn đảm bảo được yêu cầu về xuất khẩu thì các giải pháp đồng bộ từ giống, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản cần được tập trung nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng và thời gian vận chuyển và lưu thông trên thị trường.
Đề giải quyết các vấn đề tồn tại trong sản xuất, sơ chế bảo quản và tiêu thụ quả vải thiều, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt và giao Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nâng cao thu nhập của người dân thông qua liên kết ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, quản lí trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều tại xã Xây dựng NTM Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang”.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Đã xây dựng được mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân quy mô tập trung tại Vườn cây Bác Hồ (10ha) và quy mô hộ gia đình tại xã Hồng Xuân (15ha) phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển cho cây vải thiều Lục Ngạn. Kết quả của mô hình được chuyển giao tiết kiệm 20 - 30% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống, nâng cao năng suất chung 20 - 25%, giảm chi phí lao động 20%, giảm 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, góp phần đảm bảo an toàn sản xuất theo chuẩn VietGap.
- Đã xây dựng được mô hình ứng dụng công nghệ sơ chế, bao gói bảo quản quả vải thiều tươi tại Hợp tác xã Sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang, quy mô 20 tấn nguyên liệu/ngày. Mô hình được cải tạo nhà xưởng và lắp đặt hệ thống thiết bị bao gồm: xử lý hơi nước bão hòa; phun nước nóng kết hợp dung dịch pH thấp, năng suất 3 tấn nguyên liệu vải tươi/mẻ; làm khô bề mặt bằng không khí lạnh, năng suất 3 tấn nguyên liệu/mẻ; trang thiết bị phụ trợ nhà bao gói sản phẩm vải thiều tươi, năng suất 2 tấn/giờ; hệ thống sản xuất đá cây, năng suất 15 tấn/ngày; kho bảo quản tồn trữ 200m3 . Mô hình đã đưa vào ứng dụng 02 quy trình công nghệ sơ chế bảo quản quả vải thiều phục vụ nội tiêu và xuất khẩu quy mô 20 tấn nguyên liệu vải tươi/ngày. Kết quả mô hình đã được cấp giấy chứng nhận nhà xưởng đủ tiêu chuẩn VSATTP, đã được Cục bảo vệ thực vật cấp mã số đóng gói xuất khẩu, đạt tiêu chuẩn đóng gói xuất khẩu đi các thị trường Úc, Mỹ. Các chỉ tiêu đánh giá về mức giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 10%, không sử dụng hóa chất độc hại, giữ được mầu sắc, chất lượng dinh dưỡng và ATTP, thời gian bảo quản tồn trữ ở điều kiện 3 - 4 độ C kéo dài 30 - 35 ngày, phù hợp với điều kiện vận chuyển đi xa, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
- Đã xây dựng được mối liên kết giữa nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, sơ chế, bao gói và bảo quản quả vải thiều. Nhiệm vụ đã đào tạo, tập huấn cho 500 xã viên nắm rõ quy trình và kỹ thuật vận hành, lắp đặt, sửa chữa hệ thống tưới và quy trình sơ chế, bao gói, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm vải thiều. Sau khi thực hiện nhiệm vụ, hợp tác xã Hồng Giang đã thu hút, liên kết và hợp tác được nhiều mối lái buôn vải thiều với sản lượng lớn, hầu hết sản lượng vải thiều thu hoạch hàng năm được tiêu thụ hết với chất lượng đảm bảo VSATTP, các chi phí sản xuất giảm 20 - 50% nhưng giá thành sản phẩm thị trường cao hơn 10 - 15% giúp nông dân trồng vải mỗi vụ thu nhập tăng thêm 20% và 100% hộ dân tham gia dự án thoát nghèo, nhân dân Hợp tác xã Hồng Giang tinh thần phấn khởi, yên tâm sản xuất và mở rộng trồng cây vải thiều.
- Dự án đã đào tạo được 520 lượt người trong chuỗi sản xuất vải thiều tại HTX xây dựng nông thôn mới Hồng Giang với các kiến thức từ tưới tiêu, thu hái, sơ chế, bảo quản vẫn chuyển đến thị trường tiêu thụ. Từ đó góp phần nâng cao kiến thức, thay đổi tập quản sản xuất của nông dân từ sản xuất theo những cái mình có sang sản xuất quả vải hàng hóa.
- Dự án đã tổ chức được 03 hội thảo và đã tổng hợp được những ý kiến phản đóng góp của người dân, nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhà khoa học cho các phương thức tổ chức sản xuất, công nghệ sơ chế, bảo quản nhằm hoàn thiện và phát triển chuỗi vài thiều bền vững.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15278/2018) tại Cục Thông tin KH&CNQG.
Đ.T.V (NASATI)