Xây dựng luận cứ khoa học phục vụ công tác quy hoạch điều tra, thăm dò, khai thác khoáng sản vùng biển 0-200m nước Đông Nam Bộ
Cập nhật vào: Thứ ba - 24/09/2024 11:09 Cỡ chữ
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang thăm dò, khai thác sa khoáng và cát sỏi từ đáy biển. Sa khoáng để thu hồi titan và zircon sử dụng cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau; cát, sạn sử dụng làm cốt liệu bê tông, vật liệu xây, vật liệu san lấp, nuôi bờ bãi. Một số nước sản lượng khai thác vật liệu xây dựng (VLXD) từ biển chiếm 10-30% tổng nhu cầu VLXD của cả nước. Hoạt động khai thác thường được cấp phép theo từng khu vực ở độ sâu mực nước từ 10 - 100m, nằm cách xa bờ biển từ >1,5km; độ sâu khai thác vào đáy biển 6 - 10m, địa tầng khai thác chủ yếu trong thành tạo Holocen và trong thành tạo Pleistocen phân bố nông. Công nghệ khai thác phổ biến là khai thác bằng gàu xúc, hút hoặc khai thác bằng cuốc. Việc khai thác đã diễn ra lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo an toàn về môi trường.
Vùng Nam Bộ nói chung và Đông Nam Bộ (ĐNB) nói riêng hiện nay có nhu cầu VLXD rất cao, nhưng tiềm năng cát sỏi xây dựng trên đất liền không lớn, không thể đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt, nhu cầu vật liệu để đắp đê biển, san nền các công trình ven biển trong khu vực trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Với hiện trạng nguồn VLXD trên đất liền đang thiếu hụt trầm trọng như hiện nay, thì việc nghiên cứu tiến tới khai thác sử dụng cát biển để thay thế dần cát xây dựng từ đất liền, phục vụ nhu cầu vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng đang ngày càng tăng cao là giải pháp có tính khả thi nhất.
Trước những đòi hỏi về phát triển kinh tế, việc nghiên cứu làm rõ quy luật phân bố, lựa chọn mô hình, công nghệ khai thác phù hợp với các loại hình khoáng sản và dự báo tác động môi trường do khai thác khoáng sản ở vùng biển ĐNB, TS. Nguyễn Tiến Thành cùng nhóm nghiên cứu tại Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển thực hiện đề tài “Xây dựng luận cứ khoa học phục vụ công tác quy hoạch điều tra, thăm dò, khai thác khoáng sản vùng biển 0-200m nước Đông Nam Bộ” với mục tiêu: Làm rõ quy luật phân bố, phân vùng triển vọng sa khoáng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng vùng biển từ 0-200m nước Đông Nam Bộ; Lựa chọn loại hình khoáng sản làm vật liệu xây dựng, công nghệ khai thác; Định hướng quy hoạch điều tra, thăm dò, khai thác khoáng sản vùng biển từ 0-200m nước Đông Nam Bộ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Vùng biển 0 - 200m nước ĐNB phần lớn thuộc bồn trũng Cửu Long và một phần phía tây bồn trũng Nam Côn Sơn, đặc trưng có thềm lục địa rộng, thoải và chiều dày các thành tạo trầm tích Đệ tứ lớn. Mức độ điều tra, nghiên cứu cơ bản địa chất về khoáng sản trong vùng không đồng đều, trong đó khu vực từ 0 - 30m nước đã được điều tra tỷ lệ 1:100.000, dải từ 30 - 100m nước chỉ mới điều tra địa chất, khoáng sản, môi trường tỷ lệ 1:500.000; vùng biển 100 - 200m nước chưa được điều tra cơ bản vềđịa chất khoáng sản.
Kế thừa tài liệu đã có, Đề tài KC09.18/16 -20 đã tiến hành nghiên cứu hệ thống và toàn diện đặc điểm địa chất của vùng, thành phần vật chất và quy luật phân bố khoáng sản, các loại hình khoáng sản làm VLXD và phương pháp, công nghệ khai thác, đánh giá kinh tế địa chất tài nguyên khoáng sản và dự báo tác động của khai thác khoáng sản đến môi trường, xây dựng luận cứ định hướng quy hoạch điều tra, thăm dò khai thác sa khoáng và khoáng sản 22 làm VLXD vùng biển 0 - 200m nước ĐNB. Kết quả đạt được của đề tài KC09.18/16-20 cho phép rút ra nhưng kết luận sau đây:
1. Vùng biển 0 - 200m nước ĐNB có địa hình nghiêng thoải về phía đông với độ dốc nhỏ, bị phức tạp hóa bởi các bãi cạn trong đới 0 - 30m, các cồn ngầm chia cắt mạnh trong đới 40 - 60m, phân dị mạnh ở đới 100 - 120m và đới 140 - 200m nước. Chế độ thủy động lực của vùng đặc trưng bởi hai hệ thống dòng chảy thường kỳ theo hướng đông bắc - tây nam vào mùa đông và hướng tây nam - đông bắc vào mùa hè. Dọc đới sóng vỗ ven bờ, xói lở bờ biển và xáo trộn vật liệu xảy ra mạnh mẽ, xu thế vận chuyển trầm tích theo hướng Bắc - Nam. Ra xa bờ, động lực khá ổn định, trầm tích xu thế lắng đọng nhưng ở mức trung bình và có xu thế bào mòn, di chuyển từ các khu vực địa hình cao đến các khu vực địa hình trũng.
2. Trầm tích Đệ tứ vùng nghiên cứu gồm 19 phân vị có nguồn gốc sông (a), sông - biển (am), sông - biển - đầm lầy (amb) và biển (m), thuộc 6 phân vị có tuổi từ Pleistocen đến Holocen (Q1 1; Q1 2; Q1 3b; Q1 3a, Q2 1-2; Q2 3), với tổng chiều dày 100 - 300m. Trong đó các thành tạo trầm tích Pleistocen hạ (amQ1 1, mQ1 1), Pleistocen trung (aQ1 2, amQ1 2), Pleistocen thượng (amQ1 3a, aQ1 3b) và trầm tích Holocen (mQ2 1-2, mQ2 3) có ý nghĩa đối với thành tạo sa khoáng và khoáng sản làm VLXD. Hệ thống đứt gãy trong vùng nghiên cứu khá phát triển, chủ yếu phương á kinh tuyến, đôi nơi phương á vỹ tuyến và đông bắc - tây nam. Đa số các đứt gãy này đều có biểu hiện hoạt động đến cuối Pleistocen với biên độ dịch chuyển không lớn, thuộc kiểu đứt gãy thuận có góc dốc lớn hay cắm thẳng đứng.
3. Khoáng sản rắn có ý nghĩa và triển vọng nhất trong vùng biển 0 - 200m nước ĐNB là sa khoáng và khoáng sản làm VLXD. Kế thừa tài liệu đã có và kết quả khảo sát bổ sung, đề tài đã khoanh định được 6 vùng triển vọng sa khoáng phân bố từ ven bờ ra đến đới độ sâu 70m nước, với tổng diện tích khoảng 2.970 km2, chiều dày trung bình từ 2m đến 8m (đạt 16m theo tài liệu 23 địa chấn nông phân giải cao). Thành phần khoáng vật quặng chủ yếu là khoáng vật quặng titan (ilmenit, leucoxen, rutil, anataz) và zircon, ít hơn có monazit. Hàm lượng tổng khoáng vật nặng có ích từ 367 - 21.900g/m3; tài nguyên dự báo khoảng 13,84 triệu tấn quặng tinh tổng hợp. Về khoáng sản làm VLXD, đã xác định có 7 vùng triển vọng phân bố từ ven bờ ra đến đới độ sâu 80 m nước, với tổng diện tích khoảng 4.495 km2; chiều dày tầng trầm tích từ 2m đến 6m, theo tài liệu địa chấn nông có thể đạt đến 16m. Thành phần khoáng sản làm VLXD là các thành tạo cát, sạn, cát - sạn - sỏi lẫn vụn sinh vật biển. Tổng tài nguyên dự báo cấp 334b khoảng 33,17 tỷ m3.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20213/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)