Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu (Tam thất, Đương quy, Cát cánh) theo hướng GACP-WHO
Cập nhật vào: Thứ tư - 15/05/2024 00:27
Cỡ chữ
Hiện nay, ngành công nghiệp dược Việt Nam đang phải nhập khẩu 80% nguồn nguyên liệu từ ngoài, không rõ xuất xứ địa lý, khó kiểm soát chất lượng, lại phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, làm mất đi một nguồn thu nhập lớn của nông dân. Việc phát triển cây dược liệu trong nước sẽ góp phần phát triển bền vững ngành dược phẩm nước ta, giúp ngành dược thực hiện thành công chiến lược phát triển ngành trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Để giúp cho tỉnh Lào Cai phát huy tốt hơn lợi thế vốn có, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu, đồng thời làm mô hình điểm để nhân rộng cho cả nước, ThS. Nguyễn Thị Hương và các cộng sự tại Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại đã thực hiện đề tài dự án: “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu (Tam thất, Đương quy, Cát cánh) theo hướng GACP-WHO nhằm nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc Phù Lá và H’Mông trên địa bàn huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai” nhằm xây dựng được mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu (Tam thất bắc, Đương quy nhật bản và Cát cánh) theo hướng GACP - WHO từ đó nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc Phù Lá và H’Mông trên địa bàn huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai; chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho người dân và giúp người dân tiếp nhận để ứng dụng được các quy trình công nghệ nhân giống, sản xuất và thu hoạch sơ chế cây dược liệu Tam thất bắc, Đương quy Nhật Bản và Cát cánh vào thực tế sản xuất; tạo ra các mô hình thực tiễn và mô hình liên kết có tính nhân rộng về chuyển đổi cơ cấu sản xuất bằng cây dược liệu phù hợp lợi thế có giá trị gia tăng cao, tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi.
Sau 14 tháng triển khai (từ tháng 11/2019 đến 12/2020), dự án đã hoàn thành đúng tiến độ toàn bộ các nội dung và đạt được đầy đủ các sản phẩm theo hợp đồng. Cụ thể:
1) Hoàn thiện được 3 quy trình công nghệ nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản dược liệu phù hợp với điều canh tác huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
2) Xây dựng được 3 mô hình nhân giống cây dược liệu Tam thất bắc, Đương quy Nhật Bản và Cát cánh.
3) Xây dựng mô hình trồng dược liệu thương phẩm:
+ Mô hình trồng Tam thất bắc theo GACP tại xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai với quy mô 02 ha, trồng đúng loài Tam thất bắc (Panax notoginseng F.H. Chen), chất lượng dược liệu đạt theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam
+ Mô hình trồng Đương quy Nhật theo GACP tại xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai với quy mô 5 ha, trồng đúng loài Đương quy Nhật Bản (Angelica acutiloba Kitagawa), năng suất bình quân đạt 8,9 tấn củ tươi/ha, chất lượng dược liệu đạt theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam. Vùng trồng Đương quy Nhật Bản được Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận dược liệu đạt GACP.
+ Mô hình trồng Cát cánh theo GACP tại xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai với quy mô 2 ha, trồng đúng loài Cát cánh (Platycodon grandiflorus (Jacq.) A. DC), năng suất bình quân đạt 9,73 tấn củ tươi/ha, chất lượng dược liệu đạt theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam, Vùng trồng Cát cánh được Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận dược liệu đạt GACP.
+ Mô hình thu hoạch, sơ chế, chế biến Tam thất bắc, Đương quy Nhật và Cát cánh lấy củ và sử dụng phụ phẩm vào sản xuất trà thảo mộc
Dự án còn chủ động triển khai một số nội dung vượt kế hoạch được giao. Đặc biệt, đã liên kết sản xuất - tiêu thụ với người dân địa phương, cung cấp giống và hướng dẫn người dân trồng dược liệu dưới tán rừng trên diện tích hơn 30 ha, tạo ra mô hình sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần làm đa dạng sinh học. Đây là hướng đi mở ra khả năng khai thác tiềm năng về phát triển dược liệu không chỉ của các tỉnh vùng Tây Bắc, mà còn cho các tỉnh miền núi, có lợi thế về rừng nói chung.
4) Xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai: gồm 3 tổ hợp tác, mỗi tổ có 30 thành viên tham gia, thu nhập của hội viên tham gia mô hình tăng từ 3-5 lần so với trước khi tham gia mô hình.
Kết quả của dự án đã có tác động lớn đến việc chuyển đổi cây trồng sang trồng cây dược liệu của các địa phương, nhất là ở 03 xã tham gia thực hiện dự án với hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đồng thời, nó cũng thúc đẩy phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã dịch vụ và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ở các địa phương.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số /2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)