Xác định thành phần và tiềm năng sử dụng nhện bắt mồi họ Phytoseiidae trong phòng chống bọ trĩ và nhện đỏ tại Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 17/05/2021 02:53 Cỡ chữ
Trong sản xuất nông nghiệp trong nhà kính tại châu Âu, biện pháp phòng trừ sinh học đóng vai trò trung tâm trong công tác bảo vệ cây trồng trước các loài côn trùng và nhện hại. Trong đó nhện bắt mồi thuộc họ Phytoseiidae đã trở thành lực lượng nòng cốt trong phòng trừ một số loài sâu nhện hại như bọ trĩ Frankliniella occidentalis và nhện hại như nhện hai chấm Tetranychus urticae.
Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu về đặc điểm sinh thái cũng như khả năng sử dụng nhện bắt mồi họ Phytoseiidae như một tác nhân sinh học trong phòng chống sâu hại. Tuy nhiên những nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào nhóm nhện bắt mồi ăn nhện 3 đỏ như nghiên cứu của Nguyễn Văn Đĩnh và ctv. (2006) trên nhện bắt mồi Amblyseius victoriensis phòng trừ nhện đỏ Tetranychus cinnabarinus hay nghiên cứu của Nguyễn Đức Tùng (2009) về đặc điểm sinh học và hiệu quả của nhện bắt mồi Neoseiulus longispinosus ăn nhện hai chấm đỏ T. urticae. Những nghiên cứu này đã cho thấy sự tồn tại của các loài nhện bắt mồi họ Phytoseiidae trên ruộng rau và bước đầu chỉ ra được tiềm năng của chúng trong phòng trừ nhện hại. Tuy nhiên, cho tới hiện nay chưa có một nghiên cứu nào đánh giá vai trò của nhóm nhện bắt mồi họ Phytoseiidae trong phòng trừ bọ trĩ. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam do TS. Nguyễn Đức Tùng làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Xác định thành phần và tiềm năng sử dụng nhện bắt mồi họ Phytoseiidae trong phòng chống bọ trĩ và nhện đỏ tại Việt Nam” trong 3 năm từ 2016 đến 2019.
Nhóm nghiên cứu đã điều tra, thu thập nhện bắt mồi họ Phytoseiidae ăn nhện đỏ và bọ trĩ trên các loại rau thuộc họ cà, họ đậu, họ bầu bí và họ bìm bìm tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Bằng phương pháp định loại hình thái kết hợp với công nghệ phân tử nhóm đề tài đã xác định được 11 loài nhện bắt mồi thuộc 7 giống bao gồm: nhện bắt mồi Amblyseius largoensis (Muma); Proprioseiopsis lenis (Corpuz & Rimando); 4 Euseius aizawai (Ehara & Bhandhufalck); Euseius ovalis (Evans), Gynaeseius liturivorus (Ehara); Paraphytoseius cracentis (Corpuz & Rimando); Amblyseius paraaerialis Muma; Scapulaseius okinawanus (Ehara); Paraphytoseius cracentis (Corpuz & Rimando); Neoseiulus californicus (McGregor); Amblyseius longispinosus (Evans). Trong các loài thu thập được có 10 loài lần đầu tiên công bố tại Việt Nam, chỉ trừ loài A. longispinosus đã được ghi nhận tại Việt Nam trước đó. Nhóm đề tài đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, và sức tăng quần thể của các loài nhện bắt mồi phổ biến bao gồm: nhện bắt mồi N. californicus, P. lenis, A. largoensis, P. cracentis, E. aizawai và E. ovalis. Kết quả thu được trong các nghiên cứu trên đều là kết quả mới lần đầu tiên công bố tại Việt Nam, đặc biệt kết quả nghiên cứu về nhện bắt mồi P. lenis là mới trên thế giới. Các kết quả này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các loài nhện bắt mồi có sẵn trong tự nhiên, đây là thông tin quan trọng cho việc bảo tồn, khích lệ và sử dụng chúng trong tương lai.
Qua nghiên cứu sức ăn và đặc điểm sinh học cho thấy loài A. largoensis và P. lenis có tiềm năng trong phòng trừ bọ trĩ còn loài N. californicus và A. longispinosus cho phòng trừ nhện đỏ. Kết quả nghiên cứu cũng cho thầy nhện bắt mồi A. largoensis và P. lenis có thể phát triển và sinh sản tốt khi ăn nhiều loại thức ăn như phấn hoa Typha latifolia, phấn thầy dầu, phấn ngô, phấn mướp, nhện đỏ Tetranychus urticae, nhện kho Carpoglyphus lactis và thức ăn nhân tạo. Từ kết quả này cho thấy khả năng nhân nuôi hàng loạt hai loài nhện bắt mồi này là rất cao, có khả năng thương mại hóa trong tương lai dùng trong phòng trừ bọ trĩ và nhện đỏ. Kết quả về đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài nhện bắt mồi phổ biến được trình bày chi tiết trong các bài báo của nhóm đề tài đã được đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước.
Một nội dung khác của đề tài cũng đã được tiến hành đó là sử dụng biện pháp sinh học phân tử trong phân tích thức ăn trong ruột của các loài nhện bắt mồi thu được. Kết quả đã chứng minh nhện bắt mồi A. largoensis và P. lenis ngoài khả năng ăn bọ trĩ non tuổi 1 và 2 còn có khả năng ăn cả trứng bọ trĩ được đẻ trong mô lá. Đây là một phát hiện mới và một lần nữa khẳng định tiềm năng sử dụng hai loài nhện bắt mồi này trong phòng chống bọ trĩ
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16237/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)