Vai trò của cơ quan hải quan trong thực hiện cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền
Cập nhật vào: Thứ hai - 28/08/2023 00:01 Cỡ chữ
Tại Việt Nam, vấn đề phòng, chống rửa tiền là một trong những vấn đề tương đối mới mẻ. Trước đây phòng, chống rửa tiền được đề cập đầu tiên thông qua Công ước Viên (Công ước của Liên Hợp Quốc về chống buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất hướng thần năm 1988) mà Việt Nam tham gia, và sau này là Nghị Định số 74/2005/NĐ-CP ngày 7/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền. Nghị định này được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu cho công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam. Năm 2012, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống rửa tiền nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành thực thi công tác phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố một cách thiết thực.
Với vai trò là người gác cửa nền kinh tế đất nước, quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới, thời gian qua ngành Hải quan luôn chủ động thực hiện các chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính về vấn đề này. Đến nay, nhận thức của cán bộ, công chức trong ngành với nhiệm vụ phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố đã được nâng lên. Việc kiểm soát tại các cửa khẩu đảm bảo chặt chẽ, đáp ứng được các cam kết của khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới. Hàng năm, lực lượng hải quan chủ trì và phối hợp với lực lượng chức năng tại các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không, phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển tiền, ngoại tệ, kim loại quý, trị giá hàng chục tỷ đồng; ra quyết định khởi tố các vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Tuy nhiên, các thủ đoạn rửa tiền ngày càng tinh vi và khó lường, vì vậy, đối với ngành Hải quan, vấn đề cấp thiết đặt ra là cần có sự nghiên cứu sâu rộng và toàn diện. Vì thế, năm 2019, TS. Nguyễn Hồng Phong cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hải quan, Tổng cục Hải quan đã thực hiện đề tài: “Vai trò của cơ quan hải quan trong thực hiện cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền”.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: nghiên cứu tổng quan về rửa tiền và phòng chống rửa tiền qua biên giới, các cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền Việt Nam tham gia; thực trạng việc thực hiện các cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền của Hải quan Việt Nam; và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới cho Hải quan các nước thành viên trong thực hiện các cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền;
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá các quy trình, phương thức rửa tiền, tác động của hành vi rửa tiền đối với nền kinh tế quốc gia, các cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền Việt Nam tham gia. Đặc biệt, các tác giả đã đi sâu phân tích vai trò của cơ quan Hải quan Việt Nam trong tham gia phòng chống rửa tiền và đưa ra các nhân tố ảnh hưởng đến công tác này, cũng như một số kinh nghiệm của các nước trong phòng chống rửa tiền, từ đó rút ra một số hàm ý cho Hải quan Việt Nam.
Sau khí khái quát thực trạng pháp lý về phòng chống rửa tiền tại Việt Nam và công tác phòng chống rửa tiền của Hải quan Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò của cơ quan Hải quan Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền: giải pháp về hoàn thiện pháp lý; giải pháp về phòng ngừa, phát hiện vận chuyển tiền và các công cụ thanh toán qua biên giới; giải pháp về nâng cao chất lượng nghiệp vụ Hải quan; giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế; hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ngành Hải quan đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống rửa tiền; giải pháp về tăng cường phối hợp với các bộ ban ngành; và giải pháp về tuyên truyền.
Kết quả nghiên cứu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho đất nước qua việc thực hiện các cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền quan biên giới. Bên cạnh đó, đề tài sẽ góp phần làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, mô hình quản lý nhà nước về hải quan nói riêng, quản lý thương mại quốc tế nói chung.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18777/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)