Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp và trồng rau an toàn tại Thái Bình
Cập nhật vào: Thứ tư - 30/11/2022 00:40 Cỡ chữ
Thái Thụy (Thái Bình) là huyện được đánh giá có tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhanh và mạnh của tỉnh, diện tích cây vụ đông chiếm khoảng 35% diện tích đất canh tác. Huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về đất đai, cơ cấu cây trồng, trình độ thâm canh của nông dân để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác nhưng việc xác định loại cây trồng có giá trị cao, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững cho bà con nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp của huyện, cùng với việc duy trì hiệu quả diện tích trồng cây vụ Đông truyển thống, các địa phương trong huyện còn chú trọng mở rộng diện tích trồng cây mới như dưa chuột, Khoai tây atlantic, cải bắp, súp lơ, cà rốt, cà chua... cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc sản xuất rau tại huyện chủ yếu dựa vào kinh nghiệm mà chưa áp dụng tiến bộ khoa học một cách tích cực và đồng bộ, việc sử dụng thuốc hóa học bừa bãi vừa làm ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng vừa làm suy thoái đất trồng trọt và gây ô nhiễm môi trường đất, nước nghiêm trọng. Bên cạnh những mặt tích cực của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các địa phương trong huyện cũng đang gặp phải một số vấn đề khó khăn gây cản trở lớn đến sản xuất và đời sống, cụ thể: các phế phụ phẩm trong nông nghiệp và chăn nuôi (rơm rạ, thây cây ngô, đậu đỗ, cây rau màu và phân trong chăn nuôi) sau thu hoạch ít được sử dụng lại, thường vứt bừa bãi hoặc đốt bỏ ngay trên đồng ruộng, đường làng, ngõ xóm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động, vấn đề sử dụng rau an toàn đang được người tiêu dùng thực sự quan tâm. Tuy nhiên với thực trạng sản xuất hiện nay: quy mô nhỏ lẻ, manh mún, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, chưa có các vùng sản xuất chuyên rau tập trung lớn nên còn khó khăn trong việc mở rộng diện tích trồng rau an toàn và hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá rau an toàn.
Từ những thực tế trên, tỉnh Thái Bình nói chung, huyện Thái Thụy nói riêng đã có chủ trương thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết doanh nghiệp phát triển các chuỗi giá trị nông sản, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và thu nhập của người dân, đồng thời từng bước thiết lập lại cân bằng sinh thái đã mất, góp phần cải thiện độ phì nhiêu của đất và bảo vệ môi trường. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp và trồng rau an toàn để có thể giải quyết được một số vấn đề tồn tại trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa ngành nông nghiệp của tỉnh chuyển sang nông nghiệp hàng hóa, có sản phẩm an toàn và được sản xuất theo chuỗi gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020, nhóm nghiên cứu do KS. Nguyễn Hữu Hà, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất chế phẩm sinh học, xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp và trồng rau an toàn tại Thái Bình”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện (từ tháng 9/2017 đến tháng 02/2020), nhóm dự án đưa ra các kết luận như sau:
- Đã chuyển giao được 12 quy trình công nghệ;
- Đã đào tạo tập huấn 10 kỹ thuật viên, các kỹ thuật viên đều nắm chắc các quy trình công nghệ chuyển giao, làm chủ được công nghệ và có khả năng hướng dẫn, tập huấn cho nông dân
- Đã tập huấn cho 300 lượt người dân tại 5 xã Thái An, Thái Hòa, Thụy Hà, Thụy Dương, Thụy An. Thông qua việc tập huấn, nông dân nâng đã nâng cao hiểu biết, nắm được kĩ thuật sản xuất phân vi sinh, kỹ thuật trồng rau an toàn.
- Xây dựng thành công các mô hình:
+ Mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh
+ Mô hình sản xuất chế phẩm sinh học Fusarium và Khuẩn- 18
+ Mô hình trồng rau an toàn trên các cây: Khoai tây, dưa chuột, cà chua, cà rốt, bắp cải, bí xanh, cải ngọt, súp lơ, hành, tỏi.
+ Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Các mô hình trong dự án được đánh giá thành công. Các mô hình trồng rau được thực hiện với sự giám sát của đơn vị đánh giá VietGAP, kết quả đánh giá sản phẩm đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cây trồng đạt hiệu quả cao. Mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh giúp người nông dân tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp (bao gồm phế phụ phẩm sau trồng trọt, phế phụ phẩm sau chăn nuôi) để tự sản xuất ra phân bón, vừa giảm vốn đầu tư sản xuất, vừa tăng năng suất cây trồng, làm tăng thu nhập cho người nông dân. Sau khi dự án kết thúc, nhóm thực hiện tiếp tục chỉ đạo thực hiện các mô hình của dự án tại các địa phương khác trên địa bàn huyện.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17829/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)