Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất đũa gỗ xuất khẩu tại tỉnh Tuyên Quang
Cập nhật vào: Thứ hai - 21/06/2021 13:05 Cỡ chữ
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi có diện tích đất tự nhiên 5.867km², chủ yếu là đất lâm nghiệp (chiếm 60,9% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), đây là yếu tố vô cùng thuận lợi cho phát triển trồng rừng cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Trồng rừng là ngành kinh tế mũi nhọn của các huyện miền núi, đồng bào dân tộc sống bằng nghề rừng là chủ yếu.
Theo Niên giám thống kê năm 2015, dân số Tuyên Quang có 760.289 người, với 198.175 hộ gia đình, mật độ dân số là 130 người/km2. Trong đó thành phố Tuyên Quang có 94.855 người, huyện Na Hang có 43.964 người, huyện Chiêm Hóa có 129.836 người, huyện Hàm Yên có 115.026 người, huyện Yên Sơn có 165.908 người, huyện Sơn Dương có 179.499 người, huyện Lâm Bình có 31.201 người. Dân tộc thiểu số chiếm 56% dân số toàn tỉnh, dân số ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Tuyên Quang có 485.504 người. Xét về góc độ điều kiện tự nhiên (đất đai) và xã hội (dân số), tỉnh Tuyên Quang đều rất thuận lợi cho ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển.
Theo số liệu thống kê đến tháng 01/2019, Tuyên Quang có tổng diện tích có rừng là 422.472,152 ha; trong đó rừng phân theo nguồn gốc: rừng tự nhiên là 233.205,43 ha và rừng trồng là 189.267,09 ha; rừng phân theo mục đích sử dụng: Rừng đặc dụng 45.579,39 ha, rừng phòng hộ 114.917,82 ha, rừng sản xuất 241.822,05 ha chiếm 57,23%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 65% (trong đó tỷ lệ che phủ rừng của huyện Na Hang đạt 78,9%).
Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tập trung phát triển lâm nghiệp, coi đây là một trong những hướng kinh tế mũi nhọn của địa phương; Phát triển lâm nghiệp vừa khai thác được tiềm năng thế mạnh về đất rừng, vừa giúp người dân gắn bó với rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh trồng được 35.417 ha rừng. Trong đó, rừng sản xuất: 33.674 ha, bình quân 11.806 ha/năm; khai thác gỗ rừng trồng được 2.432.356 m3 gỗ, bình quân khai thác được 810.785 m3 gỗ/năm; khai thác tre, nứa được 86.215 tấn.
Để phát huy lợi thế tiềm năng về kinh tế lâm nghiệp, Tuyên Quang đẩy mạnh quy hoạch, phát triển rừng gắn với phát triển chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh. Sản xuất đũa gỗ xuất khẩu là một trong những nội dung chế biến lâm sản được tỉnh quan tâm, thu hút đầu tư.
Về nhu cầu thị trường, đôi đũa không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày mà nó còn thể hiện truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Xuất phát từ đôi đũa tre, ngày nay đũa được sản xuất bằng nhiều nguyên liệu khác nhau: Tre, gỗ, nhựa, kim loại... Tuy nhiên người dùng ưa chuộng nhất hiện nay là đũa gỗ. Đũa gỗ không chỉ bền và tiện lợi hơn các loại đũa làm bằng nguyên liệu khác mà nó còn mang tính thẩm mỹ, không độc hại. Đũa được làm từ nhiều loại gỗ khác nhau, từ các loại gỗ thông dụng như bồ đề, mỡ đến các loại gỗ cao cấp như: gỗ mun, gỗ trắc, cầm lai, bách xanh... Đũa gỗ của Việt Nam không chỉ sản xuất để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước, mà ngày nay nó còn là mặt hàng xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Trong giai đoạn hiện nay thị trường Nhật Bản đã chuyển từ nhập khẩu đũa của Trung Quốc sang nhập khẩu đũa gỗ của Việt Nam do đó đây là thị trường hứa hẹn nhiều tiềm năng. Nguồn cung cấp nguyên liệu cung cấp sản xuất đũa gỗ tại huyện Na Hang nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung rất lớn; Nguyên liệu dùng cho sản xuất đũa gỗ tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang là các loại gỗ rừng trồng như bồ đề, gỗ mỡ. Việc triển khai sản xuất đũa gỗ tại huyện Na Hang sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động là bà con nông dân miền núi sống bằng nghề rừng, góp phần xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp, chế biến lâm sản, phát triển kinh tế nông thôn miền nú i trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt cho Công ty Cổ phần Xây dựng Tổng hợp Tuyên Quang chủ trì thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất đũa gỗ xuất khẩu tại tỉnh Tuyên Quang”. Do đơn vị chủ trì Công ty Cổ phần xây dựng tổng hợp Tuyên Quang cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Kỹ sư Vũ Xuân Tiến thực hiện nghiên cứu, với mục tiêu: Ứng dụng công nghệ sản xuất đũa gỗ từ nguồn nguyên liệu địa phương. Xác lập công nghệ và hệ thống thiết bị đồng bộ sản xuất đũa 6 gỗ xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội sử dụng nguồn gỗ rừng trồng và phát triển công nghiệp hóa ở tỉnh Tuyên Quang.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Kết quả hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và tiếp nhận công nghệ sản xuất đũa gỗ xuất khẩu
- Công ty Cổ phần Xây dựng Tổng hợp Tuyên Quang đã ký hợp đồng với Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tại Hợp đồng số 41/2016/HĐCGCN ngày 26/12/2016, để thực hiện chuyển giao, tiếp nhận quy trình công nghệ sản xuất đũa gỗ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (Từ khâu lựa chọn nguyên liệu, sản xuất đũa, sấy đũa bằng công nghệ điều khiển, giám sát tự động, đến khâu phân loại đóng gói sản phẩm).
- Công ty đã tiến hành khảo sát thiết kế, xây dựng nhà xưởng, mặt bằng, xây dựng mô hình sản xuất đũa gỗ xuất khẩu tại thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã lựa chọn công nghệ, thiết bị chuyển giao ứng dụng trong dự án với mục tiêu sản phẩm tạo ra có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và thị trường tiêu thụ trong nước, máy móc thiết bị mua mới đạt mức tiên tiến đáp ứng yêu cầu kinh tế kỹ thuật dự án đã đề ra đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt; ngoài ra công nghệ thiết bị còn đáp ứng các yêu cầu: Phù hợp với khả năng sử dụng, vận hành của địa phương; thiết bị, máy móc làm việc ổn định, trong đó có khâu sấy đũa gỗ được điều khiển, giám sát tự động đảm bảo chất lượng đũa gỗ xuất khẩu; giá thành hợp lý
- Phương thức chuyển giao: Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng đã cử các cán bộ có kinh nghiệm và có kiến thức chuyên môn sâu về công nghệ sấy đũa gỗ rừng trồng tham gia thực hiện chuyển giao công nghệ. Nhóm cán bộ của Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng đã trực tiếp có mặt tại mô hình của dự án để tìm hiểu những tồn tại, hạn chế của công nghệ tại Công ty Cổ phần Xây dựng Tổng hợp Tuyên Quang đang sử dụng, Viện biên soạn tài liệu phù hợp với công nghệ mới, sau đó tổ chức trao đổi, giảng dạy về lý thuyết ở trên lớp và hướng dẫn thực hành trực tiếp tại mô hình của dự án, qua mỗi buổi đào tạo, tập huấn đều có đánh giá, nhận xét mức độ, khả năng tiếp thu công nghệ của từng học viên. Cụ thể Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng đã chuyển giao 01 quy trình công nghệ sản xuất đũa gỗ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16450/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)
tuyên quang, diện tích, tự nhiên, chủ yếu, lâm nghiệp, yếu tố, thuận lợi, phát triển, nguyên liệu, công nghiệp, chế biến, kinh tế, mũi nhọn, đồng bào, dân tộc