Ứng dụng công nghệ cao trong nhân giống mía quy mô công nghiệp và sản xuất mía hàng hóa năng suất, chất lượng cao
Cập nhật vào: Thứ năm - 27/07/2023 11:02 Cỡ chữ
Ở nước ta, quy mô nghiên cứu chọn tạo giống nói chung còn yếu, nhất là ở khu vực miền Bắc. Giống mía hầu hết là nhập nội kèm theo nhiều sâu bệnh hại. Hệ thống nhân giống còn nhỏ lẻ, đứt quãng, không được coi như một nhiệm vụ thường xuyên, chưa đạt đến quy mô pilot và chưa tạo được hệ thống giống sạch bệnh cho công nghiệp mía đường. Nhiều giống mía tốt đang sản xuất trên quy mô lớn nhưng đang thoái hóa mạnh, chưa có quy trình nhân giống thích hợp cho các giống khác nhau. Giống mía cũ thoái hóa nhiều trong sản xuất. Việc thay thế giống cũ bằng các giống mới xảy ra chậm chạp. Hệ thống nhân giống mía chưa được tổ chức liên hoàn từ nghiên cứu nhân giống trong phòng thí nghiệm đến sản xuất giống cấp I (Cây cấy mô, giống cấp I, giống gốc), sản xuất giống cấp II (giống xác nhận), sản xuất giống thương mại (giống cấp III) và chưa có sự phối hợp ổn định và hiệu quả giữa các phòng thí nghiệm nhân giống với các Công ty, các Sở Nông nghiệp và PTNT và với nông dân. Kinh nghiệm của hầu hết các nước trồng mía cho thấy vai trò quan trọng của công nghệ nuôi cấy mô đối với nhân giống mía, giống qua cấy mô năng suất tăng lên 20-30% so với giống trồng bằng ngọn. Nhiều nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Israel, Pháp, Australia... đều sử dụng công nghệ nuôi cấy mô như một mắt xích ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong hệ thống giống. Nuôi cấy mô còn là biện pháp an toàn trong cung cấp giống sạch bệnh, giảm chi phí thuốc hoá học, giúp cho việc nhập nội giống và trao đổi nguồn gen. Đặc biệt, nhập nội giống hàng loạt có thể mang các bệnh virus, nấm, vi khuẩn, trứng các loài sâu hại từ nước ngoài vào nước ta, dẫn đến thoái hoá giống, giảm năng suất và tăng chi phí thuốc phòng trừ sâu bệnh. Việc nghiên cứu nhân nhanh các giống mía mới bằng phương pháp nuôi cấy mô phục vụ cho sản xuất mía đường ở Việt Nam là một đòi hỏi hết sức bức bách của sản xuất.
Chính vì thế nhóm thực hiện đề tài, Viện di truyền nông nghiệp, do PGS.TS. Hà Thị Thúy làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện dự án: “Ứng dụng công nghệ cao trong nhân giống mía quy mô công nghiệp và sản xuất mía hàng hóa năng suất, chất lượng cao tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên và một số tỉnh có lợi thế”. Dự án nghiên cứu hoàn thiện từ quy trình nhân nhanh các giống mía bằng nuôi cấy mô, xây dựng mô hình nhân giống cấp có quy mô lớn tại nhà máy mía đường và mô hình giống sản xuất thương phẩm nhằm khẳng định quy trình nhân giống có thể áp dụng tốt trong sản xuất.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, Dự án đã thực hiện đầy đủ các nội dung được ký kết trong hợp đồng, đúng tiến độ theo kế hoạch và đầy đủ các sản phẩm đề ra, cụ thể:
- Quy trình nhân giống 3 cấp cho từng giống mía mới và các giống chọn lọc tại địa phương, năng suất thực thu trung bình của 8 mía giống đạt 131,36 tấn/ha. Quy trình được công nhận là TBKT theo Quyết định số 234/QĐ-TTCCN, ngày 14 tháng 10 năm 2020 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã được chuyển giao thành công cho các địa phương tham gia dự án.
- Quy trình sản xuất mía ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân tự động, năng suất thực thu trung bình của giống mía KK3 tại Nghệ An, Phú Yên, Tây Ninh vụ mía tơ đạt 135,03 tấn/ha, chữ đường 12,8 CCS và vụ mía gốc I đạt 134,07 tấn/ha, chữ đường 12,7 CCS. Quy trình được được công nhận là TBKT theo Quyết định số 08/QĐ-TT-CCN, ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã được chuyển giao thành công cho các địa phương tham gia dự án.
- Dự án đã sản xuất cây giống mía sạch bệnh 3 cấp 248 ha, trong đó:
+ Sản xuất cây giống mía sạch bệnh 3 cấp tại Công ty TNHH mía đường Nghệ An NASU gồm các giống mía KK3, LK9211, VĐ93-159 (3 ha Vườn giống cấp 1 là cây cấy mô cho năng suất trên 70 tấn/ha/vụ; 5 ha vườn giống cấp 2 bầu hom 1 mầm; 7 ha vườn giống cấp 3 là hom thân 2 mầm cho năng suất thực thu trung bình của 3 giống mía đạt 134,88 tấn/ha).
+ Sản xuất cây giống mía sạch bệnh 3 cấp tại Công ty TNHH Hải Vi Tây Ninh gồm các giống mía KK3, ROC16, MY5514, Uthong 12 (12 ha Vườn giống cấp 1 là cây cấy mô cho năng suất trên 70 tấn/ha/vụ; 22 ha vườn giống cấp 2 bầu hom 1 mầm và 89 ha vườn giống cấp 3 là hom thân 2 mầm cho năng suất thực thu trung bình của 4 giống mía đạt 133,87 tấn/ha).
+ Sản xuất cây giống mía sạch bệnh 3 cấp tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên và Công ty TNHH TM Nông sản Mạnh Cường gồm các giống mía KK3, LK 9211, Uthong 12, KK88-65 (6 ha Vườn giống cấp 1 là cây cấy mô cho năng suất trên 70 tấn/ha/vụ; 15 ha vườn giống cấp 2 bầu hom 1 mầm và 78 ha vườn giống cấp 3 là hom thân 2 mầm cho năng suất thực thu trung bình của 4 giống mía đạt 133,94 tấn/ha).
+ Sản xuất cây giống mía sạch bệnh 3 cấp tại tại Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang gồm các giống: K88-92, Uthong 12, KK3 (1 ha Vườn giống cấp 1 là cây cấy mô cho năng suất trên 70 tấn/ha/vụ; 3 ha vườn giống cấp 2 bầu hom 1 mầm và 7 ha vườn giống cấp 3 là hom thân 2 mầm cho năng suất thực thu trung bình của 3 giống mía đạt 131,6 tấn/ha).
- Sản xuất mía thương phẩm quy mô 470 ha, ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân tự động, trong đó:
+ Sản xuất mía thương phẩm tại Công ty TNHH mía đường Nghệ An NASU quy mô 150 ha (90 ha vụ mía tơ và 60 ha vụ mía gốc I) gồm các giống mía KK3, LK9211, VĐ93-159 ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân tự động. Năng suất thực thu trung bình 3 giống mía vụ mía tơ đạt 129,55 tấn/ha, chữ đường 12,90 CCS và vụ mía gốc I đạt 126,78 tấn/ha, chữ đường 13,00 CCS).
+ Sản xuất mía thương phẩm tại Công ty TNHH Hải Vi thuộc tập đoàn Thành Thành Công và Trung tâm ứng dụng mía đườngThành Thành Công-Tây Ninhquy mô 180 ha (120 ha vụ mía tơ và 60 ha vụ mía gốc I) gồm các giống míaKK3, ROC16, MY5514, Uthong 12 ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân tự động. Năng suất thực thu trung bình 4 giống mía vụ mía tơ đạt 133,89 tấn/ha, chữ đường 12,65 CCS và vụ mía gốc I đạt 136,45 tấn/ha, chữ đường 13,15 CCS).
+ Sản xuất mía thương phẩm tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên và Công ty TNHH TM Nông sản Mạnh Cường quy mô 140 ha (80 ha vụ mía tơ và 60 ha vụ mía gốc I) gồm các giống mía KK3, LK9211, Uthong 12, KK88-65 ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân tự động; Năng suất thực thu trung bình 3 giống mía vụ mía tơ đạt 136,48 tấn/ha, chữ đường 12,57 CCS và vụ mía gốc I đạt 137,85 tấn/ha, chữ đường 12,75 CCS).
Dự án đóng vai trò quan trọng trong cung cấp giống mới, sạch bệnh để khắc phục tình trạng bệnh dich mía và có triển vọng rất lớn trong mở rộng sản xuất mía nguyên liệu ở nhiều vùng. Nhóm thực hiện dự án mong muốn sớm triển khai áp dụng các kết quả của dự án vào sản xuất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18515/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)