Truyền thông vùng dân tộc thiểu số, thực trạng và giải pháp
Cập nhật vào: Thứ năm - 11/05/2023 00:02 Cỡ chữ
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, bao gồm 54 dân tộc anh em. Phần lớn các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở miền núi, vùng biên giới, hải đảo với địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, nhưng lại là địa bàn chiến lược về an ninh quốc phòng của đất nước. Để tạo điều kiện cho đồng bào các DTTS có cơ hội vươn lên, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng miền, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách đặc thù, ưu tiên đầu tư xây dựng cho vùng DTTS. Nhờ đó, trình độ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở các vùng này ngày càng được nâng cao, theo đó nhu cầu thông tin, nhất là thông tin về kinh tế, chính trị - xã hội cũng ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.
Do xác định truyền thông có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, có thể làm thay đổi nhận thức của con người, dẫn đến sự tự nguyện thay đổi hành vi, một trong những yếu tố duy trì kết quả phát triển bền vững. Vì vậy, công tác truyền thông nói chung, truyền thông ở vùng DTTS nói riêng, đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tất cả những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn được các cơ quan báo chí truyền thông (BCTT) triển khai tích cực thông qua nhiều kênh khác nhau, từ trực tiếp đến gián tiếp, nhất là thông qua truyền thông đại chúng (TTĐC).
Tuy nhiên, công tác truyền thông ở vùng DTTS cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Nội dung thông tin còn nghèo nàn, trùng lắp, các phương thức truyền thông ở một số vùng còn cứng nhắc, chưa hấp dẫn, thiếu tính thuyết phục. Các sản phẩm truyền thông chưa đề cập đầy đủ đến đặc trưng văn hóa các dân tộc, vùng miền; chưa có sự chuyên biệt phù hợp với nét văn hóa, tập quán của nhiều dân tộc; chưa có sự khác biệt rõ rệt về nội dung và hình thức truyền thông giữa các tỉnh đồng bằng và các tỉnh miền núi; chưa có những chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện văn hóa - xã hội riêng của từng vùng, từng dân tộc. Xuất phát từ thực tế nêu trên, nhóm nghiên cứu tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền do PGS. TS. Lưu Văn An dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số, thực trạng và giải pháp” từ năm 2018 đến năm 2020.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: xây dựng khung lý thuyết, phân tích thực trạng hiệu quả, tác động của công tác truyền thông ở vùng DTTS nước ta từ năm 1986 đến nay, từ đó nhận diện những vấn đề cấp bách; và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông ở vùng DTTS nước ta đến năm 2030, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.
Đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã xác định được những vấn đề cấp bách của công tác truyền thông ở vùng DTTS. Đó là: phát triển KT-XH chưa bền vững, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chưa thật sự ổn định; sự cấp cập của một số chủ trương, chính sách; nhận thức của các tổ chức, cơ quan chưa thống nhất về tầm quan trọng của công tác truyền thông; trách nhiệm của một số cơ quan BCTT chưa cao; sự bất cập về nội dung, phương thức và các phương tiện truyền thông; công tác phối hợp trong truyền thông trực tiếp chưa tốt, chưa thường xuyên; sự chỉ đạo của cấp ủy, cấp trên chưa quyết liệt; năng lực, trình độ tiếp nhận thông tin của đồng bào cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tư tưởng thụ động, ngại tiếp cận cái mới.
- Để giải quyết những vấn đề nêu trên, cần phải quán triệt một số quan điểm: truyền thông phải dựa vào chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân tộc và DTTS; truyền thông phục vụ mục tiêu giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm độc lập và chủ quyền quốc gia, phát triển KT-XH đồng bào, nâng cao dân trí, bảo vệ bản sắc văn hóa các DTTS, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các phương hướng truyền thông chủ yếu ở vùng DTTS trong thời gian tới là: Xây dựng chiến lược truyền thông dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn cho vùng DTTS trên cả nước đến năm 2030; Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan báo chí - truyền thông lớn trong truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến vùng DTTS; Làm tốt công tác phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước; đổi mới, kiện toàn các cơ quan BCTT và chức năng phục vụ vùng DTTS; Nâng cao trách nhiệm truyền thông của các tổ chức, cơ quan thuộc hệ thống chính trị (HTCT) các cấp ở vùng DTTS; Tiếp tục nhận diện và đấu tranh với những mâm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch trong quá trình truyền thông ở vùng DTTS.
Hệ thống giải pháp chia ra làm 4 nhóm: 1) Nâng cao nhận thức các chủ thể truyền thông, trước hết là các cơ quan thuộc HTCT, BCTT cả Trung ương và địa phương, cả những người làm truyền thông trực tiếp, bản thân người dân vừa với tư cách là chủ thể, vừa là khách thể; truyền thông phải là dòng chảy hai chiều, có phản biện, tác động qua lại giữa chủ thể và khách thể. 2) Phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách về truyền thông, về các vùng DTTS và truyền thông ở vùng DTTS; cơ chế chính sách đối với các cơ quan BCTT, đội ngũ cán bộ, phóng viên chuyên viết về vùng DTTS, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị truyền thông. 3) Đổi mới nội dung truyền thông theo hướng cụ thể, sát thực với nhu cầu từng vùng, từng dân tộc; bên cạnh những chương trình chung, cần có những chương trình đặc thù cho từng vùng, từng dân tộc cụ thể. 4) Đổi mới phương thức truyền thông theo hướng đa dạng hóa và tăng cường phối hợp sử dụng các hình thức, phương tiện truyền thông, cả gián tiếp và trực tiếp, phù hợp với điều kiện từng vùng, nhất là vùng núi cao, biên giới. Tăng cường dùng ngôn ngữ DTTS trong truyền thông vì còn một phận khá lớn người DTTS chưa thành thạo tiếng Việt. Đẩy mạnh ứng dụng và khai thác mạng xã hội để truyền thông; nâng cao chất lượng âm thanh, hình ảnh trên tivi và đài phát thanh; trong trình bày sách báo và ấn phẩm dành cho đồng bào; đổi mới phương thức cung cấp các ấn phẩm báo chí dành cho vùng DTTS và miền núi; các chủ thể truyền thông trực tiếp phải tự mình đổi mới, nâng cao chất lượng truyền thông; 5) Tăng cường các nguồn lực truyền thông bằng cách mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ HTCT, cán bộ BCTT, đội ngũ truyền thông trực tiếp những kiến thức về DTTS, về KT-XH, văn hóa các vùng DTTS, về BCTT và kỹ năng giao tiếp, truyền thông, khả năng sử dụng công nghệ trong tác nghiệp truyền thông; tăng cường nguồn lực tài chính, thù lao cho những người làm công tác truyền thông ở vùng DTTS do đặc thù xa xôi, khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị truyền thông; tăng cường giáo dục- đào tạo, nâng cao dân trí vùng DTTS. Đây là giải pháp hiệu quả nhất, vì khi trình độ hiểu biết nâng cao, người dân sẽ tự mình nâng cao nhu cầu thông tin, sẽ tìm mọi cách để tiếp cận và xử lý thông tin, biết phân biệt thông tin đúng đắn với thông tin giả, xấu độc.
Việc triển khai nghiên cứu đề tài “Truyền thông vùng dân tộc thiểu số, thực trạng và giải pháp” là rất cần thiết, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đồng thời giúp các DTTS nhận thức sâu sắc hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quá trình đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18364/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)