Triển khai đánh giá chứng nhận việc xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến năng suất từ kết quả xây dựng mô hình điểm và nhân rộng năm 2013 - 2014
Cập nhật vào: Thứ tư - 12/08/2020 23:26 Cỡ chữ
Trong những năm vừa qua, các hệ thống quản lý cũng như các mô hình, công cụ nâng cao năng suất chất lượng không ngừng được phát triển trên toàn thế giới. Các cuộc điều tra hàng năm về việc áp dụng các tiêu chuẩn hệ thống quản lý của ISO cho thấy một sự gia tăng ổn định trên toàn thế giới đối với việc chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng - ISO 9001, quản lý an toàn thực phẩm - ISO 22000, quản lý môi trường - ISO 14001, quản lý an toàn thông tin - ISO 27001, và quản lý năng lượng - ISO 50001.
Sau khi áp dụng các hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến, các doanh nghiệp rất cần được chứng nhận bởi một tổ chức độc lập để khẳng định hiệu lực của quá trình xây dựng và áp dụng, khẳng định rằng một sản phẩm, quá trình, hệ thống phù hợp với các chuẩn mực đã xác định. Chứng nhận của tổ chức độc lập không chỉ giúp xác nhận sự phù hợp và hiệu lực của hệ thống quản lý, các công cụ tổ chức, doanh nghiệp đã xây dựng và áp dụng mà còn giúp phát hiện các cơ hội để cải tiến hệ thống đó. Bên cạnh đó, hoạt động này góp phần rất quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp Việt Nam cải tiến chất lượng sản phẩm, môi trường và hiệu quả kinh doanh, từ đó nâng cao vị thế để thâm nhập vào các thị trường và hội nhập một cách bình đẳng vào nền kinh tế thế giới.
Mặc dù việc áp dụng các tiêu chuẩn hệ thống quản lý (ISO 9001; ISO 14001; ISO 22000; ISO 27001 và ISO 50001), cũng như áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng (5S, 7 công cụ; TPM, MFCA, LEAN, KPI) là áp dụng tự nguyện nhưng đại đa số các tổ chức áp dụng tiêu chuẩn này đều mong muốn được chứng nhận và đánh giá hiệu quả của việc áp dụng.
Chứng nhận là hoạt động của một tổ chức độc lập (bên thứ 3) nhằm khẳng định rằng một sản phẩm, quá trình, hệ thống phù hợp với các chuẩn mực đã xác định. Chứng nhận của tổ chức độc lập không chỉ giúp xác nhận sự phù hợp và hiệu lực của HTQL mà tổ chức, doanh nghiệp đã xây dựng và áp dụng mà còn giúp phát hiện các cơ hội để cải tiến hệ thống đó. Với việc xem xét một cách có hệ thống toàn bộ hệ thống tài liệu, quan sát hoạt động thực tế, kiểm tra hồ sơ, trao đổi trực tiếp với thành viên của tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá có cơ sở để đưa ra kết luận về việc liệu HTQL có đạt được các mục tiêu đặt ra không.
Chứng nhận là hoạt động thường xuyên, liên tục. Việc đạt được giấy chứng nhận mới chỉ là điểm bắt đầu của một giai đoạn mới: giai doạn duy trì và thường xuyên cải tiến HTQL. Giấy chứng nhận có hiệu lực trong vòng 3 năm và trong thời gian đó, doanh nghiệp được đánh giá giám sát định kỳ (tối đa không quá 12 tháng một lần) và chứng nhận lại vào năm cuối của chu kỳ chứng nhận.
Do đó, việc đánh giá chứng nhận cho các doanh nghiệp thuộc mô hình nhân rộng kết quả của dự án là một căn cứ quan trọng để khẳng định tính hiệu quả của Nhiệm vụ đó, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp được hưởng lợi từ Nhiệm vụ tiếp tục nâng cao hiệu quả ngay cả khi kết thúc Nhiệm vụ tư vấn.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho phù hợp đặc thù hoạt động. lĩnh vực kinh doanh và sản phẩm…. cũng là một nhu cầu thực tế hiện nay của các doanh nghiệp nhằm cải tiến và nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý. Từ đó việc tư vấn, xây dựng và áp dụng các công cụ này đã được triển khai sâu rộng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động tư vấn và áp dụng các công cụ này có nhiều cách và phương pháp khác nhau, dẫn đến hiệu lực và hiệu quả quá trình áp dụng cũng khác nhau tại mỗi đơn vị. Nhằm thống nhất và là cơ sở cho việc đánh giá hiệu lực, hiệu quả của quá trình xây dựng, áp dụng. Nhóm nghiên cứu gồm Cơ quan chủ trì Trung tâm chứng nhận phù hợp cùng hợp tác với Chủ nhiệm đề tài Th.S Nguyễn Tuấn Anh đã xác định và xây dựng tài liệu đánh giá hiệu lực, hiệu quả quá trình áp dụng các công cụ tại các tổ chức. Với mục tiêu Hỗ trợ đánh giá chứng nhận việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý; đánh giá/xác nhận kết quả, hiệu quả áp dụng các công cụ cải tiến năng suất.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Nhiệm vụ đã được thực hiện đầy đủ các nội dung theo thuyết minh được phê duyệt, Hợp đồng KHCN số 03.6/2014-DA2 ký giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Trung tâm Chứng nhận Phù hợp. Và được gia hạn về thời gian, mở rộng đối tượng chứng nhận theo các quy định hiện hành.
- Các sản phẩm của nhiệm vụ đầy đủ về số lượng, chủng loại và đạt mức yêu cầu về chất lượng đã đề ra.
- Hỗ trợ đánh giá chứng nhận cho các đối tượng thuộc các nhiệm vụ tư vấn trong chương trình 712; Đồng thời, mở rộng đối tượng thụ hưởng của nhiệm vụ để các đơn vị có nhu cầu chứng nhận các hệ thống quản lý, từ đó giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và đạt mục tiêu của nhiệm vụ
- Xây dựng được phương pháp luận, tiêu chí cụ thể để đánh giá xác nhận hiệu lực, hiệu quả áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại doanh nghiệp.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15336/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)
hệ thống, quản lý, mô hình, nâng cao, năng suất, phát triển, thế giới, áp dụng, tiêu chuẩn, gia tăng, ổn định, chứng nhận, an toàn, thực phẩm, môi trường, thông tin, năng lượng