Tìm kiếm các chất có hoạt tính sinh học của chi Kháo (Phoebe) ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 02/03/2022 21:40 Cỡ chữ
Chi Phoebe là một nhóm thực vật thân cao có hoa thuộc họ Long não. Lá của thực vật chi Phoebe thuộc loại mọc xen kẽ nhau qua gân lá giữa. Chi Phoebe là một chi thực vật lớn, gồm khoảng 200 loài, chúng tập chung phân bố chủ yếu ở khu vực châu Á và châu Mỹ. Chúng được tìm thấy với số lượng lớn tại bán đảo Borneo và Malaixia.
Tại Việt Nam, chi Phoebe bao gồm khoảng 12 loài và được phân bố khắp đất nước. Thực vật thuộc chi Phoebe được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc chữa bệnh trong dân gian, ngoài những tác dụng chữa bệnh thực vật chi Phoebe còn có những giá trị kinh tế khác, được sử dụng từ xưa cho đến nay của nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhận thấy tầm quan trọng của chi Phoebe, ttừ năm 2016 đến năm 2019, TS. Nguyễn Thị Việt Thanh cùng các cộng sự tại Viện Kỹ thuật Hóa học đã thực hiện đề tài: “Tìm kiếm các chất có hoạt tính sinh học của chi Kháo (Phoebe) ở Việt Nam”.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: đánh giá được tiềm năng hoạt chất sinh học chi Phoebe; phân lập được một số hoạt chất chính của một số loài trong chi; và phát hiện một số chất có hoạt tính sinh học nhằm tạo cơ sở khoa học cho nhựng nghiên cứu ứng dụng tiếp theo.
Đề tài đã tập trung nghiên cứu 2 loài thuộc chi Phoebe là loài Phoebe poilanei và loài Phoebe tovoyana về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã phân lập và xác định cấu trúc (trong đó có 3 hợp chất mới) của 20 hợp chất chính. Cuối cùng, các tác giả đã thử hoạt tính gây độc tế bào và hoạt tính kháng viêm của các hợp chất phân lập được. Nhiều hợp chất đã thể hiện hoạt tính sinh học có ý nghĩa.
Kết quả nghiên cứu, ngoài được công bố trên các tạp chí trong nước, còn được đăng tải trên tạp chí quốc tế Natural product communication vào tháng 6/2019 với tiêu đề: “Megastigmane glycosides from Phoebe tavoyana”; https://doi.org/10.1177/1934578X19852432 và “Chemical Constituents of Phoebe poilanei Kosterm and Their Cytotoxic Activity”, https://doi.org/10.1177/1934578X19850969 .
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17067/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)