Thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng bền vững vùng Tây Nam Bộ
Cập nhật vào: Thứ tư - 16/08/2023 11:01 Cỡ chữ
Vùng Tây Nam bộ (hay còn gọi là vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vùng TNB) là nơi sinh sống của khoảng 17,8 triệu người (TCTK, 2019), thuộc nhiều tộc người. Trong đó, người dân tộc Kinh và dân tộc Khơme chiểm đa số. Là vùng đất trẻ, chủ yếu do phù sa của dòng sông Mê-kông bồi đắp, vùng Tây Nam bộ (TNB) đã và đang giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như tích luỹ vốn thông qua hoạt động xuất khẩu.
Hơn ba thập kỷ đổi mới, phát triển kinh tế xã hội, vùng Tây Nam bộ đã đạt được một số thành tựu. Kinh tế vùng Tây Nam bộ tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, sản xuất công nghiệp và dịch vụ gia tăng tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội của vùng; kim ngạch xuất khẩu nông sản góp phần gia tăng dự trữ ngoại tệ. Vùng Tây Nam bộ cũng đạt được những thành tựu xã hội, như giải quyết thất nghiệp và giảm tỷ lệ hộ gia đình thuộc diện nghèo thu nhập hay nghèo đa chiều trong những năm gần đây.
Kết cấu hạ tầng và phát triển kết cấu hạ tầng đã đóng góp không nhỏ vào các kết quả đã đạt được. Cơ hội phát triển của người dân, của doanh nghiệp được mở rộng đáng kể, nhờ những thay đổi của kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng thủy lợi hay hạ tầng giao thông. Số hộ nghèo đô thị, hộ nghèo nông thôn (theo cách tiếp cận nghèo đa chiều) năm 2018 đã giảm đáng kể so với năm 2014 (Bộ LĐTBXH, 2019 và 2015). Bên cạnh sự đầu tư của chính phủ, các tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ chính phủ và chính quyền địa phương trong việc nâng cao cơ hội phát triển của người dân thông qua việc cải thiện năng lực phục vụ của các loại kết cấu hạ tầng. Chương trình nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm một trong những ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, sự phát triển của các kết cấu hạ tầng trong hơn ba mươi năm đổi mới, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Theo cách tiếp cận nghèo đa chiều, số hộ nghèo khu vực thành thị vùng Tây Nam bộ năm 2018 cao nhất cả nước (28.888 hộ), số hộ nghèo nông thôn vùng Tây Nam bộ cao thứ hai (168.322 hộ), chỉ sau vùng miền núi Đông bắc (Bộ LĐTBXH, 2019). Số doanh nghiệp vùng Tây Nam bộ năm 2018 chỉ tương đương với khoảng 15-20% tổng số doanh nghiệp của riêng TP. Hồ Chí Minh. Những chỉ tiêu thống kê đó đã phản ánh khái quát nhất năng lực phục vụ của các loại kết cấu hạ tầng so với nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp, hộ gia đình vùng Tây Nam bộ.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Viện kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Phí Vĩnh Tường thực hiện nghiên cứu “Thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng bền vững vùng Tây Nam Bộ” với mục tiêu đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ liên ngành phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng vùng Tây Nam Bộ giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, trên các cơ sở làm rõ 12 đặc trưng và thực trạng kết cấu hạ tầng vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 1986-2015, vai trò của của các trụ cột kết cấu hạ tầng với phát triển kinh tế-xã hội trên quan điểm phát triển bền vững, dự báo các yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng vùng Tây Nam Bộ phục vụ mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng phát triển bền vững, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp và du lịch; hội nhập kinh tế cấp khu vực (GMS, AEC) và toàn cầu; và hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhìn tổng thể, điều kiện tự nhiên vùng TNB vừa tạo thuận lợi vừa mang đến những khó khăn cho quá trình tăng trưởng và phát triển. Việc theo đuổi chiến lược phát triển dựa trên công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển đô thị công nghiệp, khiến cách điều kiện tự nhiên gây ra những khó khăn nhiều hơn so với thuận lợi đối với các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Việc tổng số doanh nghiệp của vùng TNB chỉ tương đương với khoảng 12,5-15% tổng số doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố nối liền vùng TNB với vùng Đông Nam bộ - những năm qua là một minh chứng.
Trong 15 năm đầu “Đổi mới”, đặc trưng kinh tế vùng TNB là nền kinh tế tiểu nông. Nông nghiệp không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế vùng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực của quốc gia, phù hợp với mục tiêu tăng sản lượng lương thực, đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu của Đảng và nhà nước.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Trong những thập kỷ vừa qua, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng TNB đã được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ và thực sự có sự cải thiện cả về số lượng và chất lượng. Những cải thiện đó đã và đang giúp các dịch vụ công đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu hiện tại của người dân và doanh nghiệp vùng TNB.
Đứng trên quan điểm phát triển bền vững, các kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng đô thị, thuỷ lợi, giao thông nói riêng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại của người dân và doanh nghiệp một cách đẩy đủ. Nói cách khác, sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông chưa đảm bảo điều kiện cho phát triển vùng TNB theo hướng bền vững.
Bản thân tính bền vững về mặt kỹ thuật của các kết cấu hạ tầng đô thị, thuỷ lợi và giao thông vùng TNB cũng là một vấn đề cần giải quyết, bởi đầu tư ban đầu cho các kết cấu hạ tầng này đòi hỏi vốn lớn. Đặc điểm điều kiện tự nhiên cũng dẫn tới quy mô vốn bảo trì lớn
Kinh nghiệm của các đô thị, trong đó có đô thị Bangkok là bài học quý cho vùng TNB trong việc phát triển các kết cấu hạ tầng có quy mô linh hoạt, vừa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, vừa đảm bảo khắc phục tính bất lợi của quy mô lớn.
Trong bối cảnh phát triển mới, đứng trước các vấn đề phát triển do BĐKH gây ra, việc đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng bền vững là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững vùng.
Tiến bộ khoa học công nghệ mở ra các cơ hội ứng dụng công cụ, nguyên vật liệu mới để đảm bảo phát triển bền vững vùng TNB. Tuy nhiên, nguồn lực của chính phủ là có giới hạn nên cần có những cải cách chính sách để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước trong quá trình phát triển vùng TNB.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18717/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)