Thiết lập tế bào gốc dòng giao tử cái từ mô buồng trứng heo trưởng thành và nghiên cứu sự biệt hóa thành tế bào trứng
Cập nhật vào: Thứ ba - 11/10/2022 15:39 Cỡ chữ
Từ năm 2016 đến năm 2020, TS. Bùi Hồng Thủy cùng các cộng sự tại Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài: “Thiết lập tế bào gốc dòng giao tử cái từ mô buồng trứng heo trưởng thành và nghiên cứu sự biệt hóa thành tế bào trứng”.
Mục tiêu của đề tài nhằm thiết lập phương pháp phân lập, nuôi cấy và biệt hóa tế bào gốc dòng giao tử cái từ mô buồng trứng heo trưởng thành (pFGSC) thành tế bào trứng, và phương pháp nuôi cấy những tế bào trứng được biệt hóa từ pFGSC sẽ tăng trưởng, chín sau khi trải qua giảm phân và nghiên cứu khả năng phát triển của phôi. Bên cạnh đó thiết lập hệ thống nuôi cấy trứng non, trứng trưởng thành và trứng chín trong phòng thí nghiệm. Cuối cùng phát triển hệ thống hoạt hóa trứng để phát triển thành phôi. Từ những nghiên cứu cơ bản về khả năng tạo ra trứng heo từ pFGSC, việc ứng dụng phương pháp này để tạo ra heo chuyển gene sẽ được tiến hành một cách dễ dàng trong tương lai.
Sau bốn năm nghiên cứu, đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
- Đã thiết lập thành công phương pháp phân lập dòng tế bào gốc giao tử cái từ buồng trứng heo trưởng thành (pFGSC) và bước đầu biệt hóa thành tế bào trứng non. Các tế bào pFGSC này biểu hiện và duy trì các marker đặc trưng của tế bào gốc giao tử trong suốt thời gian nuôi cấy. Kết hợp với những thành công trong nghiên cứu FGSC trước đây trên heo, nghiên cứu của chúng tôi đã mở ra nhiều hướng đi mới cho những nghiên cứu làm sáng tỏ hơn về quá trình sinh trứng trên người.
- Đã thiết lập thành công phương pháp thu nhận dòng tế bào gốc giao tử cái từ buồng trứng heo trưởng thành. Nghiên cứu mở ra nhiều hướng đi mới cho những nghiên cứu làm sáng tỏ thêm về cơ chế của việc hình thành trứng và ứng dụng cho việc hỗ trợ sinh sản.
- Quá trình nuôi trứng trong ống nghiệm được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên với 22 giờ nuôi pre-IVM và giai đoạn thứ hai là 42 giờ nuôi IVM. Trong thí nghiệm này, dibutyryl-cyclicAMP (dbcAMP) và axit ascorbic được bổ sung đồng thời trong quá trình pre-IVM. Dựa vào kết quả, nhóm nghiên cứu đã đề xuất phương pháp tốt nhất là thêm human chorionic gonadotropin hormone (hCG) vào 7 giờ ở cuối giai đoạn pre-IVM và tiếp tục hoàn tất quá trình IVM. Với phương pháp nuôi trứng mới, khả năng giảm phân của trứng từ nang trứng nhỏ đã tăng cao tương đương với trứng từ nang trứng lớn sau khi IVM.
Nghiên cứu sẽ đóng góp rất lớn cho việc nghiên cứu về quá trình sinh trứng trên người để hỗ trợ điều trị vô sinh. Nhờ phương pháp thiết lập tế bào gốc dòng giao tử cái trên heo và sự biệt hóa của chúng thành tế bào trứng, nhiều nhà khoa học sẽ áp dụng và tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để có thể hiểu rõ về hFGSC và sử dụng điều trị bệnh cho người trong tương lai gần nhất.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17610/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)