Tác động của suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu đến đời sống của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay
Cập nhật vào: Thứ năm - 28/12/2023 22:11 Cỡ chữ
Biến đổi khí hậu (BĐKH) và suy thoái môi trường (STMT) đang diễn ra ngày càng nhanh, mạnh, khó lường trên thế giới và ở Việt Nam. Tác động của BĐKH và STMT với đời sống, sinh kế của con người, nhất là với các nhóm dễ bị tổn thương ngày càng lớn. Thế giới lại chưa thật thống nhất trong ứng phó với BĐKH và phòng ngừa STMT. Do vậy, các Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch ứng phó BĐKH và phòng ngừa STMT đang thực hiện rất khó khăn. Với các nước đang phát triển như Việt Nam, dù dã được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách và hệ thống pháp luật trong UP BĐKH và phòng ngừa STMT, song việc triển khai thực hiện trong thực tế còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.
Theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016 cho thấy: (i) về nhiệt độ ở tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986-2005), với mức tăng lớn nhất là khu vực phía Bắc; (ii) về lượng mưa năm có xu thế tăng trên phạm vi toàn quốc; (iii) về một số hiện tượng khí hậu cực đoan: Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có xu thế ít biến đổi nhưng có phân bố tập trung hơn vào cuối mùa bão, đây cũng là thời kỳ bão hoạt động chủ yếu ở phía Nam. Bão mạnh đến rất nhanh và có xu thế gia tăng. Mưa trong thời kỳ hoạt động của gió mùa có xu hướng tăng. Số ngày rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tuy giảm nhưng diễn biến bất thường. Số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên phần lớn cả nước, nhất là ở Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Hạn hán có thể trở nên khắc nghiệt hơn ở một số vùng do nhiệt độ tăng và khả năng giảm lượng mưa trong mùa khô ở Nam Trung Bộ; ở Nam Bộ trong mùa xuân và Bắc Bộ trong mùa đông; (iv) Mực nước biển dâng và nguy cơ ngập lụt có khả năng cao hơn mức trung bình toàn cầu. Nếu mực nước biển dâng 1 mét và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích thành phố Hồ Chí Minh, 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập. Cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao.
Điều rất đáng quan tâm hiện nay là, BĐKH và STMT đang ngày càng nghiêm trọng. Mất rừng, ô nhiễm đất, nước, không khí đang ở mức báo động trong nhiều vùng có đồng bào DTTS sinh sống. Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng vào những năm 2008, 2011, 2015, 2016, 2017, 2019 và những tháng cuối năm 2020, vừa qua là những minh chứng hết sức rõ cho điều này.
Xuất phát từ thực tiễn trên, PGS.TS Tudng Duy Kiên và nhóm nghiên cứu tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiên cứu “Tác động của suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu đến đời sống của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay” với mục tiêu: Làm rõ thực trạng, tác động ảnh hưởng của STMT và BĐKH đến đời sống của các DTTS ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay; Đề xuất quan điểm, giải pháp, chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm kiểm soát và hạn chế tác động của STMT và BĐKH đến đời sống của các DTTS ở Việt Nam trong thời gian tới.
Đề tài đã tổng hợp một khối lượng các tài liệu, công trình nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về STMT và BĐKH, tác động của hiện tượng này đến đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị của cộng đồng các DTTS từ nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách sâu sắc và toàn diện về nhiều khía cạnh của STMT và BĐKH đến đời sống các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; đánh giá những ảnh hưởng do tình trạng mất đất, mất tư liệu sản xuất, mất nguồn sinh kế. Đây là điều tạo nên tình trạng phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng giữa các dân tộc, nhất là giữa các DTTS và đa số. Ảnh hưởng của STMT và BĐKH đang diễn ra ngày càng nhanh, mạnh, khó lường đang làm cho các ngành kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải, thông tin... chịu nhiều thiệt hại. Rất cần thêm những nghiên cứu bổ sung để tạo dựng được cơ sở khoa học chắc chắn hơn cho các chương trình dự án can thiệp để bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH có hiệu quả nhất cho từng vùng DTTS. Đồng thời tác động của STMT và BĐKH đang làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề xã hội ở các vùng DTTS. Chúng làm cho tình trạng di dân, phân bố lại dân số thêm bất cập. Ngoài ra, chúng còn làm cho việc tổ chức thực hiện các chương trình xã hội về lao động, việc làm, giáo dục, y tế, an ninh xã hội, an toàn cộng đồng thêm khó khăn.
Trên cơ sở hệ thống lý luận và những lý thuyết được vận dụng, đề tài nghiên cứu “Tác động của STMT và biễn đổi khí hậu đến đời sống của các DTTS ở Việt Nam hiện nay” đã triển khai điều tra, khảo sát ở 12 tỉnh đại diện cho các vùng sinh thái trên cả nước. Kết quả nghiên cứu đã được phân tích trong các chương, mục ở các phần trên và có thể tổng hợp và đưa ra một số kết luận sau đây:
Hiện tại ở các vùng DTTS của Việt Nam, BĐKH và STMT đang diễn ra ngày càng nhanh, mạnh, khó lường. Trong 30 năm qua, nhiệt độ ở các vùng DTTS đã tăng nhanh hơn so với thời kỳ trước. Nóng lạnh, hết sức bất thường. Những ngày quá nóng đang gia tăng; trong khi đó một số hiện tượng như băng, tuyết đã bắt đầu xuất hiện ở một số vùng núi cao.
Bão, lốc, mưa lũ, hạn hán cũng ngày càng bất thường hơn ở nhiều vùng trên cả nước, đặc biệt ở các vùng núi, vùng có nhiều DTTS sinh sống. Bão có xu hướng tập trung và dịch chuyển về phía Nam. Mức độ ảnh hưởng của chúng ngày càng nặng nề. Song song với lũ lụt, hạn hán là tình trạng suy kiệt nguồn nước ở các dòng sông và cạn kiệt nguồn nước ngầm. Nguy cơ với sản xuất và đời sống, nhất là đời sống các DTTS là rất lớn.
STMT cũng diễn ra ngày càng nghiêm trọng, do những hoạt động sản xuất và đời sống còn chưa được kiểm soát của con người, nhất là ở các vùng DTTS. Cụ thể, Ở nhiều vùng của cả nước, tình trạng mất đất, đất bạc màu, đất bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, và từ việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang chưa được kiểm soát ngày càng nghiêm trọng. Đấy là chưa kể tình trạng canh tác của một bộ phận DTTS còn đang du canh, du cư, khiến cho đất đã bạc màu càng bạc màu suy kiệt hơn. Trong khi đó, ở vùng đồng bằng trũng thấp như đồng bằng Cửu Long, mất đất, suy thoái đất còn bởi tình trạng nước biển dâng do BĐKH. Ở đây, từ năm 2015 đến nay, nước sông Cửu Long bị chặn lại ở các khu vực thượng nguồn đã làm cho xâm nhập mặn và hạn hán gia tăng. Hàng vạn ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị chết hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thiệt hại tới cả sản xuất và đời sống là rất to lớn.
Trong những thập kỷ qua, mất rừng và suy thoái rừng đang rất nghiêm trọng. Hiện tại, diện tích rừng Việt Nam ngày càng giảm. Diện tích nghèo kiệt ngày 320 càng gia tăng mà đây lại là nguồn sống và sinh kế của đa số các DTTS. Rừng ngập mặn ven biển cũng đang trong quá trình suy thoái do những hoạt động sinh kế của cộng đồng các dân tộc ở đây. Trong khi đó, hoạt động trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc đang là nhiệm vụ hết sức khó khăn do nguồn vốn hạn hẹp và do tác động của BĐKH và STMT. Hiện tại, Việt Nam, đang là nước có diện tích rừng bình quân cho đầu người thấp hơn mức trung bình ở Đông Nam Á.
Nước mà con người đang sử dụng là nước mặt, nước ngầm và nước biển. Đời sống của nhiều DTTS ở Việt nam liên quan đến cả 3 loại nước này. Hiện nay, các nguồn nước đang bị cạn kiệt và ô nhiễm nặng. Theo các công trình nghiên cứu đã có và theo điều tra, tại tất cả các vùng DTTS đang sinh sống ở Việt Nam, tình trạng này đang rất nghiêm trọng. Biểu hiện là, nước mặt ở các hồ, ao, sông, suối đều đang cạn kiệt, nhất là vào mùa khô. Nước ngầm cũng đang xuống rất thấp. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và thậm chí cả ở Đồng bằng Cửu Long.
Hiện tại, ở nhiều vùng có DTTS nước ta, đa dạng sinh học đang bị suy giảm nghiêm trọng. Tài nguyên rừng cơ bản bị tàn phá. Nhiều loài thực vật, động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. So với 30 năm trước đây, nhiều sinh vật trên cạn và dưới nước đều giảm mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đây lại là nguồn sinh kế quan trọng của các DTTS từ trước đến nay. Song BĐKH và đặc biệt tình trạng STMT đang làm tồi tệ hơn tình trạng suy giảm đa dạng sinh học này. Đây là yếu tố tác động không nhỏ tới đời sống các DTTS hiện nay.
Nguyên nhân của tình trạng BĐKH và STMT có nhiều, song chủ yếu do ý thức và những hoạt động thiếu kiểm soát của con người mang lại. Việc khai thác tài nguyên rừng bừa bãi; việc xây dựng các công trình thủy điện lớn cũng đã làm thay đổi hệ sinh thái, tác động không nhỏ làm STMT và tài nguyên. Điều kiện địa lý tự nhiên của vùng DTTS là vùng cao, có địa hình phức tạp, thường xuyên chịu tác động lớn của thiên tai, lũ lụt; đất đai bị xói mòn, bạc màu, thoái hóa. Yếu tố này cũng gây khó khăn, hạn chế lớn cho việc mở rộng giao lưu, nhất là những vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tất cả là những yếu tố tác động không nhỏ tới đời sống các DTTS hiện nay.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18867/2020) tại Cục Thông tin khoa học công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)