Sinh thái học các loài muỗi cát ở vùng sâu vùng xa miền Bắc Việt Nam và nguy cơ lây truyền Leishmania sang người
Cập nhật vào: Thứ hai - 16/09/2024 00:09 Cỡ chữ
Muỗi cát, véc tơ truyền leishmania đã được ghi nhận ở Việt Nam từ những năm 1930, với số lượng là 10 loài. Đã nhiều năm thông tin về muỗi cát chưa được cập nhật. Gần đây bệnh do leishmania và do vi rút phlebo đang có chiều hướng phát triển tại các nước trong khu vực.
Với mục tiêu bổ sung thông tin về các loài muỗi cát, các nhà khoa học tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tiến hành thành phần muỗi cát tại 6 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Lào cai, Sơn La và Hà Giang trong khuôn khổ đề tài: “Đánh giá nguy cơ lây truyền Leishmania qua nghiên cứu về quần muỗi cát hút máu ở vùng sâu vùng xa miền Bắc Việt Nam”. Đề tài do GS. TS. Vũ Sinh Nam làm chủ nhiệm, được thực hiện trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2019,
Mục tiêu của đề tài là nhằm thu thập côn trùng thông qua các cuộc điều tra thực địa nhằm cập nhật thông tin về các loài muỗi cát, xây dựng bản đồ phân bố và mô tả đặc điểm sinh thái của chúng; phát hiện sự hiện diện của ký sinh trùng Leishmania ở muỗi cát cái; và xác định nguồn gốc máu vật chủ của con cái bằng các kỹ thuật phân tử.
Tại 6 tỉnh miền Bắc Việt Nam, các tác giả đã xác định 13 loài muỗi cát, trong đó 7 loài đã được mô tả ở Việt Nam bao gồm (Se. barraudi group, Se. brevicaulis, Se. hivernus, Se. perturbans, Se. sylvatica, Ph. stantoni, Ph. yunshengensis). Sáu loài hoặc giống chưa từng được báo cáo trước đây (Se. bailyi, Se. khawi, Ph. mascomai, Ph. betisi, Ch. junlianensis, Gr. indica, Idiophlebotomus sp.), và hai đơn vị phân loại có thể thuộc loài Sergentomyia mới, Se. sp2 và Se. sp3. Các tác giả đã tạo một nhóm có tên “Se. und_sp.” bao gồm các mẫu vật có các đặc điểm không đồng nhất với những đặc điểm đã được mô tả sẽ tiếp tục được phân tích, mô tả kỹ hơn bằng kỹ thuật sinh học phân tử trong các nghiên cứu tiếp theo.
Các loài muỗi cát có phân bố rộng tại các tỉnh nghiên cứu, với số lượng nhiều nhất ở miền Bắc Việt Nam là Se. barraudi group (n = 324), Se. sylvatica (n = 249) và Ph. stantoni (n = 102). 294 mẫu muỗi cát có đặc điểm hình thái không xác định với tên là Se. sp2, Se. sp 3 và Se. und_sp.. Se. sp2 với 201 mẫu và Se. und_sp . với 83 mẫu vật cần được nghiên cứu thêm, dựa vào đặc điểm sinh học phân tử và chi tiết đặc điểm hình thái chi tiết. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất bổ sung về mô tả hình thái và một số đặc điểm phân loại của một số loài muỗi cát ở Việt Nam. Việc xây dựng một khoá định loại muỗi cát cho Việt Nam, khu vực và châu Á là cần thiết vì cho đến nay, chỉ có một số ít nghiên cứu được triển khai ở Việt Nam và ở Đông Nam Á.
Sự phân bố của các loài muỗi cát không khác nhau theo tỉnh nhưng lại khác biệt rõ ràng theo các sinh cảnh khác nhau. Số lượng loài nhiều nhất được tìm thấy trong hang động và ngoài nhà. Trong các chuồng gia súc và trong nhà, chỉ số phong phú loài dao động từ năm loài đến tám loài cho thấy hành vi ưa hút máu người hoặc động vật nuôi trong nhà đối với một số loài như Ph. stantoni. Trong các sinh cảnh, Ph. stantoni là loài chính thu thập trong nhà (11/30 mẫu, 36,67%) và ở sinh cảnh có chó (7/16 mẫu, 43,75%). Trong hang, loài này chỉ chiếm 2,24% (32/1431 mẫu vật). Hai muỗi cát cái Ph. stantoni được tìm thấy trong hộ gia đình bệnh nhân leishmaniasis chẩn đoán năm 2001là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo về vai trò y học của loài muỗi cát này.
Nhóm tác giả đã sàng lọc Leishmania từ 986 mẫu muỗi cát đã cho kết quả ban đầu 18 mẫu dương tính với Leishmania 15 mẫu nghi ngờ đang tiếp tục làm rõ. Trong số 18 mẫu được xét nghiệm dương tính với Leishmania thì 5 mẫu thuộc nhóm Se. barraudi, 2 mẫu là Se. sp2, 2 mẫu nhóm Se. sp và các loài Ph. stantoni, Se. sylvatica, Se. hivernus, Se und_sp., Ch. junlianensis đều có 1 mẫu dương tính và nhóm NA có 4 mẫu dương tính tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Ninh Bình. Muỗi cát có tỉ lệ dương tính ở các sinh cảnh (kể cả trong nhà ở), tuy nhiên tỷ lệ dương tính với Leishmania ở hang cao hơn các sinh cảnh khác (11/18 mẫu chiếm 61,11%) cho thấy nguy cơ lan truyền Leishmania từ véc tơ sang người là có khả năng. Việc sàng lọc Leishmania từ muỗi cát vẫn đang tiến hành và triển khai thêm kỹ thuật sinh học phân tử để xác định thành phần loài Leishmania và khả năng lây bệnh cho người.
Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần kiểm soát nguồn véc tơ lây truyền, đặc biệt giúp ngành y tế dự phòng Việt Nam có một vũ khí mới, hiệu quả trong phòng chống véc tơ. Ngoài ra, nghiên cứu cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự kết hợp giữa các nghiên cứu về véc tơ có độ tin cậy về chất lượng, thúc đẩy sử dụng các biện pháp sinh học trong công tác phòng chống bệnh do véc tơ truyền tại Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20094/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)