Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng rừng thâm canh bằng các giống keo mới được công nhận (MA1, AM2, AM3, BV71, BV73, BV75)
Cập nhật vào: Thứ hai - 22/03/2021 01:43 Cỡ chữ
Nghiên cứu chọn tạo giống là một trong những khâu quan trọng nhất để tăng năng suất rừng trồng, đặc biệt là rừng sản xuất. Các giống mới tuy đã đóng vai trò đáng kể trong tăng năng suất rừng trồng, song nhìn chung chưa đáp ứng đủ nhu cầu trồng rừng ngày càng phát triển ở nước ta. Một số giống có thể cho năng suất cao ở nhiều vùng, còn số khác chỉ cho năng suất cao ở những vùng nhất định. Hơn thế nữa có những giống khi trồng ở lập địa không phù hợp đã bắt đầu xuất hiện sâu bệnh ở mức khá nặng. Điều đó đòi hỏi phải cấp tốc đưa thêm các giống mới chọn tạo vào trồng thử trên các vùng sinh thái và các lập địa chính, nhằm bổ sung tập đoàn giống cây rừng hiện có ở nước ta và xác định biện pháp canh tác chủ yếu phù hợp với yêu cầu sinh thái của từng giống.
Chi nhánh tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần - Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình (tên gọi trước đây là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoà Bình) đã phối hợp với Viện nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cùng Chủ nhiệm đề tài Ths. Đào Quyết Thắng triển khai các giống mới được công nhận để trồng rừng tại Hòa Bình thông qua dự án “Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng rừng thâm canh bằng các giống keo mới được công nhận (MA1, AM2, AM3, BV71, BV73, BV75)” với mục tiêu: Hoàn thiện kỹ thuật trồng rừng thâm canh bằng các giống MA1, AM2, AM3, BV71, BV73, BV75. Xây dựng mô hình trồng rừng thâm bằng các giống keo đã được công nhận và hoàn thiện kỹ thuật trồng.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Đã hoàn thiện được quy trình nhân giống bằng nuôi cấy mô và giâm hom cho các giống được chuyển giao tại Công ty, đồng thời:
+ Đào tạo được 14 lao động có tay nghề làm chủ kỹ thuật sản xuất cây giống keo lai bằng nuôi cấy mô và giâm hom qua 3 lớp chuyển giao ở các đơn vị trong công ty.
+ Đã sản xuất được khoảng 180.000 cây con bằng phương pháp nuôi cấy mô.
+ Lưu giữ liên tục trên 1.000 bình nhân, có thời điểm lên đến 2.500 bình.
- Về xây dựng các mô hình rừng trồng sản xuất:
+ Đã xây dựng được 40 ha mô hình tại 3 xã đạt năng suất và tỉ lệ sống cao đáp ứng được mục tiêu của dự án.
+ Ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh trong xây dựng mô hình đạt hiệu quả cao:
* Mô hình trồng rừng đầu vụ cho năng suất tăng gấp 3,5 lần so với trồng cuối vụ.
* Biện pháp tỉa cành ở năm đầu làm tăng hiệu quả sử dụng đoạn thân dưới cành hơn và chất lượng thân so với không tỉa cành.
* Biện pháp bón phân (bón thúc) tăng theo năm đạt hiệu quả hơn chỉ bón thúc năm đầu.
+ Phân tích hiệu quả kinh tế ở các mô hình, đã giúp nhà đầu tư lựa chọn các giống có hiệu quả kinh tế cho trồng rừng.
+ Đã xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15370/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)