Sản xuất thử nghiệm tinh dầu Trúc (Citrus hystrix)
Cập nhật vào: Thứ năm - 18/06/2020 22:47
Cỡ chữ
Năm 2015, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu thực hiện đề tài “Nghiên cứu xác định khả năng kháng một số nhóm vi sinh vật của tinh dầu Trúc (Citrus hystrix)”. Trong đề tài, các tác giả đã tiến hành nghiên cứu chiết tách tinh dầu Trúc bằng công nghệ chưng cất lôi cuốn hơi nước. Kết quả phân tích đánh giá chất lượng tinh dầu cho thấy tinh dầu vỏ quả và lá Trúc có khả năng kháng một số vi sinh vật gam dương, gam âm và vi nấm. Theo nghiên cứu này, hàm lượng tinh dầu trong vỏ quả Trúc từ 3,8 - 5,5%, cao hơn nhiều so với các loại cây thuộc họ Cam quýt khác như bưởi, chanh, cam được trồng tại Việt Nam.
Từ những kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài, cùng với công văn đề xuất được ứng dụng kết quả nghiên cứu, tiêu thụ các sản phẩm của dự án và quảng cáo sản phẩm trên website “danongmassage.net” của Cơ sở gia công đá Mộc Thủy, từ tháng 2/2017 đến tháng 12/2018, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài: “Sản xuất thử nghiệm tinh dầu Trúc (Citrus hystrix)” với 2 sản phẩm là tinh dầu xông phòng và dầu massage.
Đề tài đã thu được các kết quả sau:
- Đã nghiên cứu hoàn thiện qui trình công nghệ và sản xuất thử nghiệm tinh dầu Trúc qui mô 1kg nguyên liệu/mẻ dựa trên những thiết bị sẵn có của Viện. Sản phẩm được phân tích, kiểm tra đạt chất lượng an toàn thực phẩm. Xác định phương pháp xử lý tinh dầu sau khi cất bằng cồn 600 ở 200C, lọc bằng muối khan để loại nước. Bảo quản trong chai thủy tinh tối màu (xanh, nâu).
- Đã mua mới, lắp đặt và vận hành thử nghiệm thiết bị chưng cất tinh dầu qui mô 10 - 20kg nguyên liệu/mẻ. Tiến hành hoàn thiện qui trình công nghệ và sản xuất tinh thử nghiệm dầu Trúc trên thiết bị mua mới.
- Đã xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn cơ cở TCCS 01:2018/VD với sản phẩm Tinh dầu Chanh Thái (Citrus hystrix).
- Đã xây dựng được công thức phối chế tinh dầu xông phòng và dầu massage từ tinh dầu Trúc. Tinh dầu xông phòng được phối chế với dung môi là cồn tuyệt đối 99,50 ở tỉ lệ tinh dầu/dung môi là 1:1. Dầu massage được phối chế vào dầu nền là dầu dừa tinh khiết với hàm lượng tinh dầu 2%.
- Đã xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 02:2018/VD cho sản phẩm dầu massage và TCCS 03:2018/VD cho sản phẩm tinh dầu xông phòng. Hai tiêu chuẩn cơ sở này đang chờ Hội đồng nghiệm thu để ban hành chính thức.
- Đã tổ chức sản xuất được 88,5 lít tinh dầu Trúc, để từ đó sản xuất 150 lít tinh dầu xông phòng và 225 lít dầu massage đạt theo Tiêu chuẩn cơ sở.
- Đã thiết kế mẫu mã, nhãn mác, bao bì cho sản phẩm của Dự án. Phối hợp cùng Cơ sở Đá Mộc Thủy để tính toán xây dựng giá thành và giá bán sản phẩm. Theo đó sản phẩm tinh dầu xông phòng có giá bán 110.000đ/chai 10ml và 500.000đ/chai 50ml, dầu massage có giá bán 110.000đ/chai 100ml và 250.000đ/chai 250ml.
Kết quả nghiên cứu của đề tài mới chỉ dừng lại ở việc chiết tách tinh dầu bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước trên qui mô nhỏ, phòng thí nghiệm với các nghiệm thức chỉ 100g nguyên liệu/lần lặp lại. Chính vì vậy, để có thể đưa tinh dầu Trúc ra thương mại hóa cần có các bước hoàn thiện về công nghệ chưng cất tinh dầu ở qui mô pilot, trên các thiết bị có công suất lớn hơn. Đó là một trong những mục tiêu của dự án này bên cạnh mục tiêu tạo ra sản phẩm tinh dầu tự nhiên, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây Trúc (Citrus hystrix) đồng thời ứng dụng tinh dầu vỏ quả Trúc để tạo ra một số sản phẩm như tinh dầu xông phòng và dầu massage
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15641) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)