Sản xuất thử một số giống lúa Japonica theo hướng hàng hóa ở một số tỉnh phía Bắc
Cập nhật vào: Thứ năm - 17/10/2024 13:06 Cỡ chữ
Lúa Japonica là loại hình cây thấp đến trung bình, lá to, xanh đậm, bông chụm, hạt ngắn, vỏ trấu dầy, ít rụng hạt, chống đổ tốt, có khả năng chống chịu nhiều sâu bệnh, thời gian sinh trưởng từ ngắn đến trung bình. Hơn thế, lúa Japonica cho năng suất cao, còn có khả năng chịu lạnh, thích hợp trồng ở các vùng có khí hậu ôn đới, cận nhiệt đới và có thể trồng ở những nơi có độ cao trên 1000m.
Ở Việt Nam, các giống lúa nương, lúa nếp thuộc nhóm lúa Japonica được đồng bào các dân tộc thiểu số sản xuất và sử dụng từ lâu đời. Trong những năm gần đây, lúa Japonica đã được trồng thử nghiệm ở nhiều vùng sinh thái trong cả nước. Tại An Giang, lúa Japonica hạt tròn đã được trồng thử nghiệm và cho năng suất 8-8,5 tấn/ha. Tại Hưng Yên và Thái Bình trong điều kiện vụ xuân lúa Japonica có thể cho năng suất tới 8,2 tấn/ha. Tại Thái Nguyên, giống lúa Japonica ĐS1 đã được trồng với diện tích trên 150 ha, năng suất bình quân đạt 6,2 tấn/ha. Tuy nhiên, lúa Japonica phát triển trong sản xuất cũng chỉ ở quy mô nhỏ chưa đồng bộ và đầu ra cho sản phẩm còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, việc tổ chức sản xuất theo vùng và chuỗi khép kín không thể thiếu vai trò và sự vào cuộc và liên kết của 4 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông), trong đó vai trò của của doanh nghiệp rất quan trọng.
Thực tế ở miền Bắc đang có xu hướng và chiến lược sản xuất gạo Japonica phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Bài học thực tiễn cho thấy thành công sẽ thuộc về đơn vị nào biết phối hợp, biết tổ chức sản xuất, quản lý sản phẩm và chia sẻ lợi nhuận hài hòa với nông dân và các đối tác tham gia. Từ thực tế trên, ThS. Nguyễn Xuân Dũng và các cộng sự tại Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông thực hiện đề tài: “Sản xuất thử một số giống lúa Japonica (ĐS3, J01, J03, ...) theo hướng hàng hóa ở một số tỉnh phía Bắc” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là hoàn thiện quy trình nhân giống, quy trình kỹ thuật canh tác và sản xuất các giống lúa Japonica có chất lượng cao tại các vùng sinh thái ở các tỉnh phía Bắc; mở rộng sản xuất thử một số giống lúa Japonica có năng suất, chất lượng cao; và liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu lúa Japonica hàng hoá tập trung tại một số tỉnh phía Bắc (Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa…) phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Sau hai năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả cụ thể như sau:
- Đã xây dựng được 02 quy trình thâm canh và 02 quy trình sản xuất hạt giống lúa Japonica cho giống J01 và QJ1 tại các tỉnh phía Bắc cấp, các quy trình được công nhận cấp cơ sở theo Quyết định số 155/QĐ-TTCG-VP ngày 22/12/2020 của Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông.
- Đã tuyển chọn 01 giống lúa japonica J01, được công nhận chính thức trong vụ xuân và vụ mùa tại các tỉnh phía Bắc theo Quyết định số 484 /QĐ-BNN-TT ngày 31/01/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Đã sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng cho các giống lúa Japonica J01, QJ1, VAAS16, J02 đảm bảo theo đúng quy định và chất lượng theo QCVN 01-54:2011/BNNPTNT, trong đó:
+ sản xuất siêu nguyên chủng cho các giống Japonica J01, VAAS16, J02 trong tổng diện tích 15 ha tại các tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam, thu được 45.560 kg giống đạt 100% yêu cầu theo kế hoạch về diện tích và đạt 151,4% so với kế hoạch yêu cầu về sản lượng của SNC.
+ sản xuất nguyên chủng cho các giống Japonica J01, QJ1, VAAS16, J02 tổng diện tích 120 ha tại các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, thu được 621,215 tấn giống, đạt 100% yêu cầu theo kế hoạch về diện tích, và đạt 103,5% so với kế hoạch yêu cầu về sản lượng của nguyên chủng.
- Đã xây dựng được 06 mô hình liên kết vùng sản xuất lúa Japonica (J01, J02 và VAAS16) theo hướng chuỗi hàng hóa tập trung quy mô 50 ha/mô hình/điểm tại các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Bình ở 2 vụ Xuân và Mùa năng suất vượt giống đối chứng tăng 4,0-13,7%, cho hiệu quả kinh tế tăng 26,4-160,9%. Kết quả xây dựng mô hình liên kết vùng sản xuất lúa Japonica theo chuỗi hàng hóa tập trung quy đảm bảo mô tối thiểu 50 ha/vùng hiệu quả tăng trên 20% so với sản xuất đại trà.
Trên cơ sở sản xuất hạt giống lúa japonica các cấp và xây dựng các mô hình liên kết, đề tài đã góp phần xây dựng được 03 vùng sản xuất lúa japonica tập trung đảm bảo chất lượng tại các tỉnh Phú Thọ, Hà Nội, Hà Giang, cụ thể: tại Phú Thọ với giống J02 với quy mô 10.000 ha/vụ; tại Ứng Hoà - Hà Nội giống J01, J02, VAAS16 với quy mô 6.000 ha/vụ: và tại Hà Giang giống VAAS16, J02 với quy mô 1.5000 ha/vụ
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20246/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)