Phòng ngừa và điều trị một số virus trong ghép thận Cytomegalo Virus (CMV), Virus viêm gan: Nghiên cứu đa trung tâm
Cập nhật vào: Thứ hai - 21/02/2022 23:09 Cỡ chữ
Cytomegalovirus (CMV) có liên quan đến kết quả sau ghép thận do bùng phát thành bệnh CMV với biến chứng làm thải ghép và gây tử vong cao. Bệnh CMV khi bùng phát thì tỉ lệ tử vong tăng lên rất cao và chi phí điều trị rất tốn kém, bệnh nhân khỏi bệnh là điều may mắn của chính bệnh nhân. Vấn đề quan trọng trong việc theo dõi bệnh CMV sau ghép thận là không được để CMV bùng phát thành bệnh mà phải ngăn chặn và phát hiện bệnh kịp thời. Mục tiêu của nghiên cứu đa trung tâm này tại Việt Nam là làm giảm thiểu bệnh CMV sau ghép, kế hoạch theo dõi, phát hiện sớm và điều trị bệnh CMV. Tương tự, làm giảm nguy cơ nhiễm virut viêm gan B (HBV) và bệnh viêm gan do HBV cùng các biến chứng của nó trên người ghép thận, có cùng đặc điểm là HBV dễ nhân bản hơn trong điều kiện ức chế miễn dịch.
Nhằm tìm hiểu tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B và CMV trong nhóm các bệnh nhân sau ghép thận và đánh giá kết quả điều trị virus HBV và CMV trong ghép thận, nhóm thực hiện đề tài của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế do GS.TS.BS. Trần Ngọc Sinh đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Phòng ngừa và điều trị một số virus trong ghép thận Cytomegalo Virus (CMV), Virus viêm gan: Nghiên cứu đa trung tâm”.
Sau một thời gian triển khai, nhóm đề tài thu được các kết quả và những phát hiện như sau:
1. Phần Cytomegalovirus (CMV)
- Nhóm I (hồi cứu): Trên các trường hợp (TH) nhiễm CMV: có 808 TH thuộc 7 trung tâm (số liệu 1/7 trung tâm bị loại do thiếu dữ liệu quy định). Tuổi trung bình: 42,5 ± 12,7. Nam: 541/808 (66,96%) nữ 267/808 (33,04%). Mổ ghép được thực hiện ghép thận từ năm 1993 đến năm 2015. Nhiễm CMV là 48/808 điểm (5,9%). Có 3/808 bệnh nhân (0,4%) mắc bệnh CMV vào thời điểm sàng lọc ban đầu, số TH này được kể vào bệnh CMV để nghiên cứu. Dùng phép tích lũy cộng dồn trong khoảng thời gian "không có triệu chứng nhiễm CMV" cho thấy: thời gian ghép càng lâu, nguy cơ nhiễm CMV càng thấp.
- Nhóm II (tiến cứu): Tất cả các trung tâm cấy ghép ở Việt Nam đều áp dụng dự phòng CMV thường xuyên 100-200 ngày sau khi ghép thận khi IgG + (581/847TH (68,60%)). Có 44/847 (5,19%) bùng phát bệnh CMV được điều trị với gancyclovir kết các biện pháp khác trong điều kiện săn sóc tích cực, nhưng tỷ lệ tử vong cao: 14/44 (31,81%). Trong số này có 8/44TH (18,18%) được phát hiện muộn khi CMV-DNA chuyển từ dưới ngưỡng phát hiện sang dương tính dù số nhân bản (copies) còn thấp dưới 500 copies, nhưng chần chờ, tiến hành điều trị khi bệnh hoàn toàn bùng phát. Tử vong 6/8 TH (75,00%) 145/847 TH (17,11%) được quyết định điều trị sớm (chúng tôi gọi là điều trị đón đầu) khi chưa có triệu chứng lâm sàng, khi CMV-DNA chuyển từ dưới ngưỡng phát hiện sang dương tính dù số bản sao (copies) còn thấp dưới 500, hoặc IgM chuyển từ âm tính sang dương tính.
Kết quả của số TH điều trị đón đầu là 28/145TH (19,31%) bùng phát bệnh lâm sàng sống 25/28TH (89,29%) và tử vong 3/28TH (10,71%), thời gian trung bình từ khi khởi trị cho đến khi bùng phát là 3,87±1,36 tháng), lý do bùng phát vả tử vong của các bệnh nhân này là: 1/3TH bỏ điều trị, 1/3TH sau điều trị thải ghép cấp, 1/3TH bệnh đái tháo đường. Nhóm không sử dụng thuốc điều trị dự phòng bùng phát bệnh là 266/847 TH (31,40%) gồm có 219/266TH (82,33%) do tình trạng thuốc chưa có trên thị trường ổn định hay vì chức năng thận, 47/266TH (17,67%) không theo đúng phác đồ nghiên cứu. Có 16/42 TH phát bệnh với triệu chứng lâm sàng. Tử vong 11/16TH (68,75%), chi tiết của các TH tử vong gồm: 8/11 TH do phát hiện muộn (6/8 không sử dụng thuốc điều trị dự phòng theo kế hoạch), 4/11TH trong năm đầu tiên sau ghép; 5/11TH sau điều trị thải ghép cấp; 2/11TH sau điều trị bệnh thận tái phát trên thận ghép. Tỉ lệ tử vong có sự khác biệt ở nhóm có điều trị dự phòng bùng phát bệnh và nhóm không điều trị dự phòng bùng phát bệnh có sự khác biệt có ý nghĩa với p < 0,005. Và nếu chỉ đơn độc theo dõi diễn tiến CMV để điều trị đón đầu không là chưa đủ mà còn lệ thuộc vào tình trạng của từng cá thể bệnh và liều thuốc ƯCMD đi kèm.
2. Phần nghiên cứu về HBV:
- Nhóm I (hồi cứu): 1026 TH của bảy trung tâm. Tuổi trung bình là 40,77 ± 11,85 tuổi. Bệnh nhân nam: 68,32%. Có 671/1026 TH (65,11%) ghép thận tại Việt Nam, các TH khác được ghép từ nước ngoài (34,89%). Ghép từ người cho sống: 796/1026 TH (77,58%); Ghép từ người hiến thận đã chết: 230/1026 TH (22,42%). Tần suất VGSV B với HBsAg (+) là 77/1026 TH, (7,50%), tần suất đồng nhiễm HBV và HCV là 0,78% (8/1026 TH) và tần suất nhiễm HCV là 101/1026TH (9,84%) Lưu hành kháng thể HBsAb: 339/704TH (48,15%). Tiêm chủng HBV 282/704 TH (40.06%). Nhiễm HBV cũ đã ổn định: 205/704TH (29,11%); Viêm gan B tái hoạt động sau ghép, HBV DNA chuyển dương sau ghép trên người có HBsAg(+) gặp trong 100% các trường hợp.
- Nhóm II (tiến cứu): Theo dõi và điều trị HBV 807 TH tham gia theo dõi và điều trị. Nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân có tiền sử nhiễm HBV có tần suất cộng dồn “không nhiễm HBV” giảm rất nhanh, khác biệt so với nhóm bệnh không có tiền sử nhiễm HBV (p = 0.0000, Log-Rank [Mantel Cox]). Điều đó cho thấy khi người từng bị nhiễm HBV khi ghép thận thì có nguy cơ dễ tái hoạt. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ bùng phát viêm gan B (ALT>200 UI/ml) giữa nhóm ghép thận bị nhiễm HBV và nhóm ghép thận không nhiễm HBV. Tỉ lệ nhiễm mới HBV sau ghép rất thấp 0,26%. Có 30/807TH HBV DNA (+) được chỉ định dùng entecavir, đánh giá sau 6 tháng điều trị, Kết quả: 18/30 TH (60,00%) đáp ứng đầy đủ, 03/30 (10,00%) đáp ứng từng phần, 4/30 (13,33%) đáp ứng không đầy đủ, tỉ lệ tái phát 1/30 (3,84%), và 4 / 30 TH (13,33%) kháng thuốc. Không có sự tác dụng phụ nào được ghi nhận trong quá trình điều trị.
Để đáp ứng với yêu cầu theo dõi và điều trị bệnh CMV cần xem xét việc bổ sung vào danh mục bảo hiểm y tế các loại thuốc và xét nghiệm gồm: (1) Xét nghiệm định lượng CMV- PCR. (2) Thuốc Valganciclovir (valcyte) 450mg và (3) Các trung tâm ghép cần chú ý phát triển các kỹ thuật xét nghiệm vi sinh và giải phẫu bệnh về thận học của ghép với phép nhuộm SV40 để có thể chẩn đoán xác định được nguyên nhân gây suy thận có liên quan đến virus học. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu thêm các loại virus khác: Epstein-Barr Virus (EBV), BK virus.
Như vậy, việc giảm được tỉ lệ bùng phát bệnh CMV và HBV sau ghép thận từ đó dẫn đến sẽ kéo dài được đời sống thận ghép và đời sống người bệnh sau ghép thận. Nâng cao kết quả ghép thận tại Việt Nam về lâu dài. Giảm được chi phí phải chi trả cho Thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc (nếu BN phải trở lại đời sống thận nhân tạo).
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17004/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)