Phát triển vật liệu không nung cho công trình thân thiện môi trường
Cập nhật vào: Thứ ba - 31/08/2021 11:15 Cỡ chữ
Để giảm thiểu ô nhiễm khí thải và tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp xây dựng, thì việc phát triển, đánh giá, phân tích từ nhiều góc độ khác nhau những vật liệu ít tác động đến môi trường là vấn đề cấp thiết được đặt ra hiện nay không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thực hiện đề tài: “Phát triển vật liệu không nung cho công trình thân thiện môi trường”. Đề tài do TS. Bùi Quốc Bảo làm chủ nhiệm, được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2019.
Đề tài hướng đến mục tiêu tìm ra những vật liệu mới, thân thiện môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm khí thái và tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp xây dựng, góp phần giảm thiểu tác động của ngành này đến vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đề tài đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, vượt nhiều chỉ tiêu so với dự kiến ban đầu. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành việc tối ưu hóa thành phần hóa học của geopolymer để sử dụng như chất kết dính thay thế cho xi măng trong vật liệu không nung.
Tiếp đến, các nhà khoa học cũng đã thực hiện tối ưu hóa thành phần vật liệu không nung sử dụng geopolymer để sản xuất ra gạch xây tường và gạch con sâu dùng lát vỉa hè.
Các kết quả thí nghiệm cho thấy loại gạch không nung không sử dụng xi măng được phát triển bởi nhóm nghiên cứu, đáp ứng được những yêu cầu của tiêu chuẩn Mỹ dành cho gạch chịu lực cả trong trường hợp gạch xi măng cốt liệu (ASTM C140) hay gạch nung (ASTM C62). Điều này có nghĩa là loại gạch được phát triển, không chỉ được áp dụng cho kết cấu bao che thông thường, mà còn có thể được áp dụng trong một số hợp tường chịu lực. Trong xu thế phát triển bền vững và kiến trúc thân thiện với môi trường, loại tường chịu lực không sử dụng kết cấu bê tông cốt thép ngày càng được sử dụng nhiều hơn trên thế giới, dành cho những kết cấu không quá lớn.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16697/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)