Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2017-2020
Cập nhật vào: Thứ năm - 28/12/2023 03:33 Cỡ chữ
Dừa là cây lâu năm, có chu kỳ khai thác trên 30 năm. Công tác giống có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả của vườn dừa, không chỉ vài năm mà vài chục năm (Ngô Thị Lam Giang và cs., 2002). Hiện nay, cây dừa ngày càng bị cạnh tranh bởi nhiều cây trồng khác có lợi thế hơn. Vì vậy, để có được vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng đủ cho công nghiệp chế biến, nhu cầu tiêu dùng và đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, nhất là trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp hiện nay, cần nhanh chóng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trồng dừa để đến năm 2020 năng suất bình quân trong cả nước phải đảm bảo có năng suất > 70 quả/cây/năm, hàm lượng dầu đạt > 60%. Chính vì vậy, để có đủ nguồn nguyên liệu dừa ổn định đáp ứng nhu cầu chế biến không còn con đường nào khác là phải nâng cao năng suất và chất lượng dừa thông qua các giải pháp giống dừa và biện pháp kỹ thuật thâm canh.
Kế thừa kết quả nghiên cứu và thành tựu đạt được của dự án qua các giai đoạn 2001-2005; 2009-2010 và giai đoạn 2011-2015 về giống dừa mới (dừa Dứa, dừa Sáp nuôi cấy phôi, dừa lai JVA1, JVA2); công nhận chính thức cho 5 giống dừa Ta, Dâu, Xiêm, Ẻo, Dứa; Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về giống dừa; công nghệ sản xuất giống dừa bằng phương pháp tuyển chọn cây mẹ, nuôi cấy phôi, lai tạo giống dừa mới; công nghệ nhân giống dừa; quản lý giống dừa bằng hệ thống thông tin địa lý GIS,... (Thái Nguyễn Quỳnh Thư và cs., 2015). Dự án: “Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2017-2020” cần tiếp tục phát huy những thành tựu về sản xuất cây dừa giống chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu sản xuất; hoàn thiện các quy trình công nghệ nhằm tăng tỷ lệ cây giống xuất vườn, tăng tỷ lệ thành công của phương pháp nuôi cây phôi dừa Sáp, hoàn thiện quy trình nhân nuôi ong ký sinh phục vụ công tác phòng trừ bọ dừa.... Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Thái Nguyễn Quỳnh Thư cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã thực hiện đề tài “Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2017-2020” với mục tiêu: Nâng cao năng lực sản xuất giống dừa chất lượng cao (giống dừa tuyển chọn (Ta, Dâu, Xiêm, Ẻo, Dứa, Sáp nuôi cấy phôi); giống dừa lai (JVA1) phục vụ sản xuất cho các tỉnh trồng dừa, nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người trồng dừa. Sản xuất 449.700 cây dừa giống chất lượng cao, đáp ứng 2.338 ha nhu cầu trồng mới và cải tạo vườn dừa lão trong cả nước.
Vườn dừa giống gốc được trồng năm 2012-2013 (8 – 9 năm tuổi) tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre, tổng số 19ha, gồm các giống: Xiêm xanh: 5ha; Xiêm lục: 4ha; Dứa: 4ha; Xiêm đỏ: 1,5ha; Tam Quan: 0,5ha; Ẻo xanh: 0,5ha; Sáp nuôi cấy phôi: 2ha; Sáp ươm từ quả: 1,5ha.
Vườn dừa giống gốc tại Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng, Tây Ninh, tổng số 18ha, gồm các giống: 2ha dừa Lùn vàng Mã Lai (Trồng năm 1987); 15ha dừa Dứa (Trồng năm 2004); 0,5ha dừa Xiêm (Trồng năm 2004); 0,5ha dừa Ẻo (Trồng năm 2004).
Bố trí trồng và chăm sóc dừa: Dừa được bố trí thành 02 hàng theo kiểu nanh sấu, trồng cách mép mương 2m, kích thước 6m x 8m đối với dừa lùn (200 cây/ha) và 8m x 8m đối với dừa cao (160 cây/ha). Mỗi năm bón phân hai lần theo qui trình chăm sóc của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu: (1,2kg urê + 1,2 kg super lân + 1,2 kg kali + 20 kg phân chuồng/cây/năm). Trồng dặm thường xuyên các cây dừa bị chết chết.
Theo qui trình nhân giống dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu hiện nay, tỷ lệ nảy mầm của phôi dừa đạt 86% sau 2 tháng nuôi cấy. Tuy nhiên, phôi nảy mầm rải rác từ 3 – 8 tuần, không tập trung và không đồng đều, số lượng phôi chậm và khó nảy mầm còn khá nhiều chiếm gần 40%. Do đó cần phải nghiên cứu xác định nồng độ chất điều hòa sinh trưởng phù hợp bổ sung vào môi trường nuôi cấy để “cứu” những phôi khó nảy mầm, kích những phôi nảy mầm thành cây con phát triển tốt.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Chăm sóc và duy trì 37ha vườn dừa giống gốc tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre và Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng, Tây Ninh. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định, góp phần đáp ứng nhu cầu quả giống phục vụ sản xuất cây giống dừa chất lượng tốt, năng suất trung bình đạt >80 quả/cây/năm
Đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi. Đã ban hành quy trình nuôi cấy phôi dừa Sáp cải tiến, tỷ lệ thành công của quy trình đạt 60,6% tăng 6,7% so với quy trình trước đây).
Đã xây dựng được 4 mô hình. Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ sản xuất giống dừa bố phục vụ công tác lai tạo giống tại Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng, Tây Ninh; 3 giống dừa bố; 0,5ha/giống. Trong năm 2020, đã thu được 750g phấn Cao Hijo; Giai đoạn 2018-2020 tổng thu được 1.700g phấn Cao Hijo để sản xuất giống lai VA1 tại vườn dừa mẹ của Trung tâm.
Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ sản xuất giống dừa Ta chịu mặn thích ứng vùng xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang và Bến Tre; 0,5 ha/tỉnh). Giống dừa Ta chịu mặn do dự án tuyển chọn trồng tại điểm Bến Tre, sau 5 năm trồng đã có 100% số cây ra hoa và đậu quả, năng suất năm thứ nhất đạt 22,5 quả/cây/năm.
Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ sản xuất giống dừa Dứa phù hợp vùng biển đảo Việt Nam, tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, 2ha. Nghiệm thức B (300 kg Urê, 575kg Lân nung chảy Ninh Bình, 383kg KCl, 2000kg phân hữu cơ Điền Trang/ha) đạt năng suất 115,5 quả/cây/năm và Nghiệm thức C (200kg Urê, 381kg Lân nung chảy Ninh Bình, 255kg KCl, 2400kg phân hữu cơ Điền Trang/ha) đạt năng suất 104,5 quả/cây/năm; tăng gấp 1,5-1,6 lần so với nghiệm thức A (chủ yếu bón phân vô cơ).
Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ sản xuất giống dừa Dứa bằng phân bón hữu cơ và phòng trừ bọ dừa bằng biện pháp sinh học tại Bạc Liêu, 2ha. Công thức bón phân hữu cơ kết hợp vô cơ và phòng trừ bọ dừa bằng bọ đuôi kìm, góp phần tăng năng suất dừa đạt 78,8 quả/cây/năm) và ổn định lâu dài, cũng như có tác dụng bảo vệ môi trường và thiên địch.
Đã triển khai 5 lớp tập huấn “Kỹ thuật nhân giống và thâm canh giống dừa chất lượng cao” cho 153 lượt người tham dự ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định). Dự án góp phần giúp cho người nông dân trồng dừa, cán bộ nông nghiệp, hội nông dân nâng cao kiến thức và kỹ năng sản xuất giống, các biện pháp phòng trừ dịch hại cũng như phương pháp chế biến một số sản phẩm từ dừa nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống của người dân trồng dừa tại các địa phương.
Năm 2020, sản xuất được 21.650 cây giống gốc dừa cao (Ta, Dâu); 178.545 cây giống gốc dừa lùn (Dứa, Xiêm, Ẻo) tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre và Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng, Tây Ninh; 153 cây giống dừa Sáp nuôi cấy phôi tại Trạm Thực nghiệm Bình Thạnh, TP.HCM.
Trong 3 năm 2018-2020, sản xuất được 48.850 cây giống gốc dừa cao (Ta, Dâu); 262.569 cây giống gốc dừa lùn (Dứa, Xiêm, Ẻo) tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre và Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng, Tây Ninh; 955 cây giống dừa Sáp nuôi cấy phôi tại Trạm Thực nghiệm Bình Thạnh, TP.HCM.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18878/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)