Phân tích sự biến động và mối liên hệ giữa hệ protein của ty thể với quá trình sinh tổng hợp amino acid ở cây mô hình Mesembryanthemum crystallinum và Medicago truncatula trong điều kiện bất lợi của môi trường
Cập nhật vào: Thứ sáu - 20/08/2021 01:42 Cỡ chữ
Nghiên cứu khả năng chống chịu và thích ứng ở thực vật trước các thay đổi bất lợi của môi trường do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra, hiện đang là một hướng nghiên cứu chính rất được quan tâm. Kết quả nghiên cứu cơ chế chống chịu ở thực vật cho thấy hô hấp của ty thể và sinh tổng hợp amino acid là hai hoạt động sinh lý quan trọng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, đồng thời hoạt động của chúng có sự biến đổi phụ thuộc vào các yếu tố tác động bên ngoài. Tuy nhiên, bản chất và cơ chế phân tử của sự biến động trong hai quá trình sinh lý này nhằm tăng cường khả năng thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường, đồng thời trong môi trường đó, bằng khả năng và cơ chế nào mà ty thể có thể cung cấp năng lượng hoặc enzyme và cơ chất cho quá trình sinh tổng hợp amino acid, đặc biệt là sinh tổng hợp lysine là những vấn đề chưa được giải quyết trong giai đọan hiện nay.
Đề tài “Phân tích sự biến động và mối liên hệ giữa hệ protein của ty thể với quá trình sinh tổng hợp amino acid ở cây mô hình Mesembryanthemum crystallinum và Medicago truncatula trong điều kiện bất lợi của môi trường” do nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế thực hiện từ năm 2015 đến năm 2018, nhằm giải đáp cho các vấn đề nói trên. Đề tài do PGS.TS. Hoàng Thị Kim Hồng làm chủ nhiệm.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: Thiết lập một nghiên cứu nhằm tăng cường sự hiểu biết về tác động bất lợi của môi trường lên hoạt động sinh lý của bào quan ty thể và quá trình sinh tổng hợp amino acid ở M. truncatula và Ice plant; xác định được sự biến động và mối tương quan giữa hệ protein của ty thể với quá trình sinh tổng hợp amino acid trong điều kiện bất lợi của môi trường. Từ đó, hiểu được cơ chế biến động ở mức độ phân tử xãy ra trong bào quan ty thể và trong điều hòa sinh tổng hợp amino acid nhằm giúp tăng cường tính chống chịu cho M. truncatula và Ice plant.
Một số kết quả nổi bật của nghiên cứu:
- Đã trồng thành công hai loại cây M. truncatula và Ice plant, cung cấp lượng cây giống làm đối tượng nghiên cứu ở các phòng thí nghiêm ở Khoa Sinh, Đại học Khoa học, Đại học Huế.
- Cung cấp một số phương pháp thực nghiệm nghiên cứu trên cây mô hình vào các bài thực hành trong giáo trình thực hành các môn học cơ sở và chuyên ngành. Các phương pháp nghiên cứu đã được tối ưu hóa trong đề tài này được sử dụng để bổ sung và cập nhật vào các giáo trình thực tập phục vụ giảng dạy cho sinh viên và học viên Cao học trong khoa.
- Bổ sung kiến thức đạt được trong nghiên cứu này và các kết quả sau khi đã được thẩm tra và công bố trên các tạp chí Quốc tế làm nguồn tư liệu cập nhật và đưa vào phần lí thuyết của các giáo trình cơ sở “Sinh lý chống chịu” và chuyên đề: “Sinh học phân tử nâng cao” phục vụ giảng dạy cho chương trình đào tạo sau đại học ở trong khoa.
- Các bài báo và công trình nghiên cứu thuộc đề tài này đã đăng ở các tạp chí khoa học chuyên ngành và báo cáo tại hội nghị, hội thảo khoa học là những tư liệu tham khảo có giá trị cho các học viên Cao học và Nghiên cứu sinh tham khảo.
Đề tài bước đầu triển khai được nghiên cứu cơ bản trên các đối tượng mô hình ở mức độ bào quan tại các phòng thí nghiệm thuộc khoa Sinh, Đại học Khoa học, Đại học Huế - Du nhập và trồng được hai loại cây mô hình M. truncatula và Ice plant trong điều kiện tự nhiên của Thừa Thiên Huế, tiến tới phát triển và sử dụng chúng làm đối tượng nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong thực tế nhằm phục vụ đời sống của người dân.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16274/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)