Phân tích hàm lượng các nguyên tố kim loại trong mẫu móng tay chân của các bệnh nhân ung thư bằng phương pháp phân tích hạt nhân nguyên tử
Cập nhật vào: Thứ hai - 29/01/2024 00:03 Cỡ chữ
Trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021, PGS.TS. Huỳnh Trúc Phương Trường và các cộng sự tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đề tài: “Phân tích hàm lượng các nguyên tố kim loại trong mẫu móng tay chân của các bệnh nhân ung thư bằng phương pháp phân tích hạt nhân nguyên tử”.
Mục tiêu của đề tài là phân tích hàm lượng các nguyên tố kim loại trong móng tay chân của các bệnh nhân ung thư nhằm thu được bộ số liệu quan trọng để nhận dạng các yếu tố gây nguy cơ ung thư, giúp bác sỹ chẩn đoán bệnh nhanh chóng và hiệu quả, giúp dược sỹ có thể bào chế các loại thuộc đặc trị ngăn ngừa và điều trị ung thư.
Dưới đây là các kết quả mà đề tài đã thu được sau ba năm nghiên cứu:
1. Dựa vào kỹ thuật phân tích kích hoạt neutron (NAA), hàm lượng của các nguyên tố vết (As, Cr, Br, Fe, Zn, Se...) trong móng tay bệnh nhân ung thư vú được xác định. Trong đó, bằng phương pháp thống kê, kết quả cho thấy có sự khác biệt về hàm lượng nguyên tố Cr, Fe, Zn, Se trong móng tay giữa người ung thư vú và người bình thường. Phát hiện ra mối tương quan đáng kể giữa Fe-Co, Fe-Cr, Zn-Se, Zn-Fe... trong móng tay bệnh nhân ung thư vú.
Dựa vào kết quả nghiên cứu, có thể chẩn đoán nguy cơ gây ung thư vú qua việc xác định hàm lượng nguyên tố Fe, Cr, Zn trong móng tay. Kết quả nghiên cứu này được công bố ở các công trình: i) Science & Technology Development Journal, 22(4):370-377; ii) Journal of Radioanalytical and Nuclear Chemistry (2020) 324:663-671.
2. Kết quả của nghiên cứu cho thấy đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng, hàm lượng nguyên tố Fe, Zn và Se có sự khác biệt đáng kể giữa người ung thư và người bình thường. Đồng thời, việc hoá trị có ảnh hưởng đến hàm lượng các nguyên tố này trong móng tay chân bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy có thể ứng dụng để chẩn đoán nguy cơ ung thư đại trực tràng thông qua hàm lượng nguyên tố Fe, Zn và trong móng tay chân. Kết quả nghiên cứu này được công bố ở các công trình: i) Science & Technology Development Journal - Natural Sciene, 5(1):969-974; ii) Journal of Radioanalytical and Nuclear Chemistry (2021) 328:1173-1180.
3. Mở rộng nghiên cứu, các tác giả đã phát hiện ra rằng, đối với nam bệnh nhân ung thư đại trực tràng, ngoài các nguyên tố Fe, Zn, và Se, thì các nguyên tố Ca, Cr, Cu và As có thể gây ra nguy cơ ung thư. Kết quả cho thấy móng tay chân là vật liệu sinh học phản ánh việc phơi nhiễm nguyên tố dùng để đánh giá nguy cơ gây ung thư đại trực tràng ở nam giới. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Spectrochimica Acta Part B: Atomic Spectroscopy 182 (2021)106234.
Kết quả nghiên cứu của đề tài là bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa nguyên tố trong cơ thể con người và ung thư. Kết quả này có thể được sử dụng để chẩn đoán nguy cơ gây ung thu vú và ung thư đại trực tràng qua việc nhận dạng hàm lượng nguyên tố hoá học trong móng tay chân của con người.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19593/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)