Nghiên cứu xu hướng chuẩn hóa nền tảng IoT và đề xuất áp dụng ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 24/06/2020 03:49 Cỡ chữ
Internet of Things (IoT) là hạ tầng toàn cầu cho xã hội thông tin, cho phép các dịch vụ tiên tiến bằng cách liên kết nối vật lý và ảo mọi thứ dựa trên các công nghệ thông tin và truyền thông có thể liên kết hiện nay và đang phát triển trong tương lai. Hiện nay, IoT đã trở nên hấp dẫn thu hút được nhiều lĩnh vực công nghiệp như vận tải logistic, chế tạo, bán lẻ và y dược… Với sự phát triển của truyền thông vô tuyến, điện thoại thông minh và các công nghệ mạng cảm biến, ngày càng nhiều thứ được kết nối mạng. Một nền tảng IoT về bản chất là sự triển khai/thực hiện của một kiến trúc IoT (các thực thể và giao diện). Kiến trúc IoT bước đầu đã được chuẩn hoá bởi các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế như ITU-T, ISO/IEC, OneM2M, ETSI. Các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế thực hiện chuẩn hoá các thực thể và các phân lớp của kiến trúc cần thiết để đảm bảo xây dựng nền tảng IoT tuân theo tiêu chuẩn.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tiến hành nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn quan trọng về IoT, trong đó việc nghiên cứu xu hướng chuẩn hoá nền tảng IoT và đề xuất các tiêu chuẩn xây dựng nền tảng IoT ở Việt Nam có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong định hướng chuẩn hoá hệ thống IoT ở Việt Nam. Vì thế, năm 2018, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông do ThS. Phạm Đình Chung làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xu hướng chuẩn hóa nền tảng IoT (IoT platform) và đề xuất áp dụng ở Việt Nam”.
Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu bao gồm tổng quan về IoT và nền tảng IoT, nhu cầu chuẩn hoá nền tảng IoT, nghiên cứu tình hình phát triển các nền tảng IoT tiêu biểu trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay, xu hướng chuẩn hoá kiến trúc IoT và áp dụng chuẩn trong xây dựng các nền tảng IoT. Dựa vào nghiên cứu tình hình chuẩn hoá các thực thể và các phân lớp của kiến trúc nền tảng IoT tiêu chuẩn của các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế, đề tài đã nghiên cứu tổng 103 hợp được một bộ khung các tiêu chuẩn IoT cần để xây dựng các nền tảng IoT tuân theo tiêu chuẩn ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề tài đã đề xuất các tiêu chuẩn IoT cần thiết cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp khi xây dựng, triển khai áp dụng nền tảng IoT. Đây là cơ sở tham khảo quan trọng giúp Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp đón đầu về công nghệ IoT và định hướng xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn xây dựng nền tảng IoT ở Việt Nam.
IoT sẽ cung cấp cơ hội thị trường lớn cho các nhà chế tạo sản xuất thiết bị, các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các nhà phát triển ứng dụng. Do đó, cần tạo ra một khung chính sách và kế hoạch phù hợp để phát triển công nghệ IoT, từng bước và tiến tới hoàn thiện xây dựng các tiêu chuẩn IoT. Vì IoT sẽ trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ trong tương lai, đem lại rất nhiều lợi ích và lợi nhuận khổng lồ, nên cần có kế hoạch dài hạn và đầu tư nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy sự phát triển của IoT, trước hết ưu tiên trong một số ngành công nghiệp như giao thông vận tải, nhà thông minh, thành phố thông minh, y tế, chuỗi cung cấp hàng hóa… Hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài là nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn trong phát triển nền tảng IoT ở Việt Nam, nghiên cứu và phát triển nền tảng IoT tuân theo tiêu chuẩn ở Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15656) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)