Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng quy trình xác định các hợp chất clo hóa vòng thơm (clobenzen và clotoluen hóa) (tổng số 21 hợp chất)
Cập nhật vào: Thứ sáu - 16/04/2021 05:34 Cỡ chữ
Hiện nay, xã hội đang ngày càng trở nên có ý thức đối với các hoạt động xanh, không độc hại và thân thiện môi trường. Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng được mở rộng đối với hàng dệt may, da giầy. Các sản phẩm được quan tâm nhất là các sản phẩm có xu hướng tiếp xúc trực tiếp và kéo dài với da hoặc có thể tiếp xúc bằng đường miệng như quần áo, giày dép, chăn, ga giường, khăn mặt, đồ chơi và các sản phẩm chăm sóc em bé... Vì vậy, cần phải có các phương pháp xác định các chất có mối nguy hại cao trong các sản phẩm dệt may, da giầy với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn sinh thái. Từ đó, nhóm nghiên cứu tại Công ty Cổ phần-Viện Nghiên cứu Dệt May do ThS. Lê Văn Hậu làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng quy trình xác định các hợp chất clo hóa vòng thơm (clobenzen và clotoluen hóa) (tổng số 21 hợp chất)" trong vòng 2 năm từ 2017 đến 2018.
Đề tài nhằm mở rộng năng lực thử nghiệm tuân thủ theo danh sách các chất cấm hoặc hạn chế được cập nhật thường xuyên cho các phòng thí nghiệm dệt may, da giầy, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu đích thông qua dịch vụ thử nghiệm xác định các hợp chất clo hóa vòng thơm, giúp doanh nghiệp kiểm soát đầu vào của các nguyên liệu cũng như các sản phẩm trước khi xuất khẩu tránh các thiệt hại về kinh tế, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu về các chất cấm và hạn chế và tăng tiềm năng thâm nhập thị trường mới.
Đối chiếu với mục tiêu và nội dung của đề tài đã đăng ký, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành:
1) Xây dựng tài liệu tổng quan về các hợp chất clo hóa vòng thơm, mối nguy hại và các quy định hạn chế chúng trong ngành công nghiệp dệt may, da giày.
2) Tiến hành khảo sát các phương pháp xác định các hợp chất clo hóa vòng thơm và lựa chọn quy trình tối ưu phù hợp với trang thiết bị, vật tư phổ biến hiện nay tại các phòng thí nghiệm dệt may, da giày trong nước và quốc tế
3) Tiến hành tối ưu các điều kiện phân tích trên thiết bị cho các chất phân tích.
4) Tiến hành xác nhận giá trị sử dụng của quy trình xác định các hợp chất clo hóa vòng thơm trên sản phẩm dệt may, da giày, kết quả cho thấy, các thông số về giới hạn phát hiện, giới hạn định lượng, khoảng làm việc, đường chuẩn, độ đúng, độ chụm đáp ứng các yêu cầu của phương pháp phân tích hóa học. Đồng thời, đề tài cũng tiến hành ước lượng độ KĐBĐ của phương pháp cho từng chất phân tích.
5) Xây dựng các bộ hồ sơ xin công nhận các phép thử phù hợp với chuẩn mực ISO/IEC 17025 và đã đệ trình BOA xin công nhận vào tháng 1 năm 2019 và được BOA đánh giá công nhận vào tháng 4/2019.
6) Tiến hành đào tạo 05 thí nghiệm viên thử nghiệm các chỉ tiêu này. Sau đào tạo đã tiến hành đánh giá tay nghề của thí nghiệm viên. Kết quả thử nghiệm của các thí nghiệm viên đáp ứng yêu cầu về độ chính xác của phương pháp.
Các phương pháp đã được phê duyệt trong phòng thí nghiệm và áp dụng thử nghiệm các mẫu trên thị trường phục vụ công tác quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm, giúp các doanh nghiệp kiểm tra tính đáp ứng trong việc thực thi các yêu cầu kỹ thuật về các chất hạn chế trong công nghiệp dệt may, da giày.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16221/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)