Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ để nhận dạng các đối tượng địa chất, xử lý kết hợp tài liệu địa vật lý và viễn thám
Cập nhật vào: Thứ năm - 17/08/2023 11:02 Cỡ chữ
Tài liệu địa vật lý và tài liệu viễn thám đã có những đóng góp quan trọng cho công tác điều tra địa chất và đánh giá khoáng sản. Ở Việt Nam đã xây dựng các quy trình xử lý phân tích cho tài liệu địa vật lý và viễn thám một cách độc lập.
Tuy nhiên, việc xử lý, phân tích đồng thời có tính chất tích hợp một cách định lượng giữa tài liệu địa vật lý và viễn thám trong công tác địa chất ở Việt Nam chưa được chú ý nhiều. Hầu hết các công trình nghiê cứu có sử dụng tài liệu địa vật lý và viễn thám chỉ dừng ở mức thực hiện xử lý-phân tích độc lập từng dạng tài liệu rồi tổng hợp kết quả một cách định tính khi luận giải địa chất. Cho đến nay, mới chỉ có một công trình nghiên cứu là thử nghiệm tích hợp tài liệu địa vật lý và viễn thám trong xử lý-phân tích định lượng nhằm nhận dạng đối tượng khoáng sản và phân lớp đối tượng địa chất với mục đích điều tra địa chất và khoáng sản và đã thu được những kết quả nhất định. Trong công trình này, các tác giả đã lựa chọn được từng bộ tham số đặc trưng về địa vật lý và viễn thám phục vụ cho bài toán phân phân lớp đối tượng địa chất và nhận dạng cho từng mẫu nhận dạng khoáng sản. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp phân tích đặc trưng thống kê và tương quan giữa các tham số chưa được tiến hành mà chủ yếu mang tính chất định tính và trực quan, làm hạn chế tính đặc trưng của các bộ tham số lựa chọn. Điều này làm ảnh hưởng tới chất lượng và kết quả bài toán phân lớp và dự báo khoáng sản.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả và độ tin cậy của các kết quả xử lý, phân tích tài liệu địa vật lý và viễn thám trong điều tra địa chất và khoáng sản, Cơ quan chủ trì Liên đoàn Vật lý Địa chất cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Phạm Văn Hùng thực hiện “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ để nhận dạng các đối tượng địa chất, xử lý kết hợp tài liệu địa vật lý và viễn thám” với mục tiêu xây dựng quy trình công nghệ nhận dạng đối tượng địa chất, xử lý kết hợp tài liệu địa vật lý, viễn thám.
Nhìn chung, cho đến nay, các công trình nghiên cứu xử lý các tài liệu địa vật lý và tài liệu viễn thám vẫn chưa thể tận dụng hết được các ưu thế của cả hai dạng tài liệu để tăng hiệu quả và độ tin cậy cho các kết quả nghiên cứu. Mặc dù quy trình công nghệ bay đo địa vật lý và xử lý các tài liệu kết quả đã được xây dựng và được áp dụng khá ổn định, tuy nhiên, công nghệ viễn thám còn có một số tồn tại lớn. Do chưa thống nhất về quy trình thực hiện xử lý các nguồn tư liệu có độ phân giải khác nhau từ các thiết bị thu nhận khác nhau, nên chưa quy định được các tiêu chuẩn về dữ liệu đầu vào - đầu ra cho từng loại tỷ lệ, từng mục đích nghiên cứu, dẫn đến việc rất khó đánh giá độ tin cậy/độ chính xác của các kết quả đạt được, khó đưa vào sử dụng trong thực tế hoặc cho các lĩnh vực nghiên cứu khác. Việc kết hợp phân tích các nguồn tài liệu này bằng một quy trình thống nhất, trên cơ sở áp dụng một hệ phương pháp phù hợp sẽ cho ra các kết quả tập trung hơn, chính xác hơn trong việc nhận dạng các đối tượng địa chất.
Để khắc phục các tồn tại nói trên, đề tài này được thực hiện nhằm nghiên cứu xây dựng một quy trình công nghệ để nhận các dạng đối tượng địa chất trên cơ sở xử lý kết hợp tài liệu địa vật lý và viễn thám. Quy trình công nghệ được xây dựng trên cơ sở áp dụng các phương pháp và phần mềm phổ biến hiện nay như Envi, ER-Mapper, Coscad 2D, 3D, Model Vision, Mapic, ArcGIS....
Để áp dụng thực tế và đánh giá hiệu quả quy trình công nghệ nhận dạng đối tượng địa chất bằng tài liệu địa vật lý và viễn thám, đề tài sẽ chọn một diện tích thử nghiệm ở khu vực Tây Bắc, trong phạm vi nghiên cứu điều tra của dự án Tây Bắc.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Về nghiên cứu phương pháp xử lý tích hợp tài liệu địa vật lý và viễn thám để nhận dạng các đối tượng địa chất: lần đầu tiên đã sử dụng các phương pháp phân tích thống kê- tương quan giữa đặc điểm các trường địa vật lý với đặc điểm phổ phản xạ của các kênh (band) ảnh trên các đối tượng địa chất, khoáng sản ở khu vực nghiên cứu thử nghiệm làm cơ sở để đánh giá khả năng phân tích phối hợp tài liệu địa vật lý-viễn thám.
- Về nhận dạng đối tượng địa chất và thành lập bản đồ cấu trúc địa chất theo tài liệu địa vật lý-viễn thám: thực hiện theo trình tự: 1) phân tích, tổng hợp tài liệu thu thập để xác lập mô hình địa chất-địa vật lý-viễn thám gồm 2 thành phần: mô hình cấu trúc địa chất và mô hình thống kê đặc trưng địa vật lý-phản xạ ảnh đa phổ tương ứng với mô hình địa chất; 2) áp dụng các phương pháp phân tích thống kê-tương quan để lựa chọn bộ tham số địa vật lý-viễn thám đặc trưng; 3) dùng bài toán phân lớp và nhận dạng đối tượng địa chất với tập số liệuđịa vật lý-ảnh đa phổ đã lựa chọn để phân chia các lớp đối tượng địa chất- địa vật lý-ảnh đa phổ (mô hình kết quả), kết hợp với hệ thống đứt gãy xác định theo tài liệu địa vật lý-viễn thám để thành lập bản đồ cấu trúc địa chất theo tài liệu địa vật lý-viễn thám.
- Về nhận dạng đối tượng khoáng sản và thành lập sơ đồ dự báo triển vọng khoáng sản theo tài liệu địa vật lý-viễn thám: thực hiện theo trình tự: 1) tổng hợp tài liệu xác định quy luật phân bố khoáng sản, chọn các đối tượng khoáng sản để nhận dạng; 2) kiểm tra thực địa các đối tượng chuẩn để làm rõ vị trí, tọa độ, quy mô, các đặc điểm về địa chất, khoáng sản, các đá biến đổi liên quan, v.v...; 3) sử dụng các mẫu nhận dạng và phân tích thống kê để chọn bộ tham số địa vật lý-ảnh đa phổ phù hợp để nhận dạng bằng các phần mềm hiện có (Coscad-3D, ENVI, ER-Mapper, v.v...), kết hợp với hệ thống đứt gãy-phá hủy và các đới dị thường địa vật lý- phản xạ ảnh đa phổ đã xác 22 định để thành lập sơ đồ phân vùng dự báo triển vọng khoáng sản theo tài liệu địa vật lý-viễn thám.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18720/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)