Nghiên cứu xây dựng mô hình điển hình xử lý và tái sử dụng nước thải nuôi tôm sú ở đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật vào: Thứ ba - 05/11/2024 12:07 Cỡ chữ
Ngành nuôi tôm ở các vùng đồng bằng ven biển, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đang mang lại lợi ích kinh tế lớn, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, sự phát triển thiếu quy hoạch và kỹ thuật đã gây ra nhiều vấn đề môi trường như ô nhiễm đất, nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Điều này đặt ra nhu cầu cấp bách về giải pháp quy hoạch và xử lý nước thải hiệu quả để đảm bảo phát triển bền vững cho ĐBSCL.
Dự án "ViWat" do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức (BMBF) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MOST) phối hợp thực hiện nhằm giải quyết những thách thức về môi trường và nước thải trong khu vực. Dự án bao gồm ba phần chính: "ViWat-Quy hoạch," "ViWat-Kỹ thuật," và "ViWat-Vận hành." Trong đó, "ViWat-Vận hành" hướng đến việc xây dựng các giải pháp tổng hợp, ứng dụng công nghệ và quản lý đổi mới sáng tạo cho việc cấp thoát nước bền vững.
Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là xây dựng mô hình quản lý nước và xử lý nước thải cho ngành nuôi trồng thủy sản, hiện đang gặp nhiều thách thức về cung cấp nước và ô nhiễm. Đối tác Việt Nam sẽ triển khai hệ thống thử nghiệm xử lý và tái sử dụng nước thải từ hoạt động nuôi tôm, dựa trên công nghệ tiên tiến của Đức, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ĐBSCL. Trên cơ sở đó hợp tác với CHLB Đức, đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình điển hình xử lý và tái sử dụng nước thải nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long” do TS. Lê Hữu Quỳnh Anh cùng nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM thực hiện có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cấp bách với mục tiêu: Đánh giá được hiệu quả kinh tế và môi trường đối với vấn đề tái sử dụng nguồn nước nuôi trồng thuỷ sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển thành công mô hình xử lý nước thải ao nuôi tôm đạt tiêu chuẩn chất lượng và có khả năng tái sử dụng trên cơ sở các công nghệ đã được xây dựng ở Cộng hòa Liên Bang Đức.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Làm rõ được thực trạng sử dụng, sự suy giảm chất lượng nước, các vấn đề về môi trường và nhu cầu tái sử dụng đối với nước thải ao nuôi tôm ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Nghiên cứu và triển khai được công nghệ có tính khả thi, phù hợp với điều kiện địa phương để xử lý nước thải ao nuôi tôm đạt tiêu chuẩn tái sử dụng. Qua quá trình vận hành thống xử lý nước thải (hồ sinh học, đất ngập nước kiến tạo), kết quả cho thấy hệ thống vận hành ổn định và đạt kết quả tốt trong việc loại bỏ các hợp chất hữu cơ và chất dinh dưỡng chứa trong nước thải ao nuôi tôm. Cụ thể về các thông số vận hành hệ thống như sau:
- Hiệu quả xử lý COD của toàn hệ thống đạt cực đại 88,3%; nồng độ COD đầu ra của hệ thống thuộc giới hạn 10 - 15,4mg/L
- Hiệu quả xử lý BOD5 tối đa của hệ thống là 86,6%; hàm lượng BOD5 đầu ra dao động trong khoảng 7,06 - 12,5 mg/L.
- Hiệu suất xử lý TN và NH4 + tối đa của hệ thống lần lượt là 99% và 87%. Nồng độ đầu ra của TN là 0,17 -1,83 mg/L, của NH4 + là 0,046 - 0,1 mg/L. Giá trị NH3 tính theo TAN trong nước sau xử lý luôn đạt mức nhỏ hơn 0,1 mg/L theo quy định. Nồng độ TP đầu ra của hệ thống ở mức không đáng kể (0,01 – 0,05 mg/L).
- Coliform sau xử lý bằng hồ sinh học và đất ngập nước đạt giá trị tương đối thấp, khoảng 150 - 230 MPN/100 mL, đạt yêu cầu nước tái sử dụng cho ao nuôi tôm.
- Mô hình bãi lọc sinh học có thể xử lý bùn thải từ ao nuôi tôm, đem lại hiệu quả cao trong việc xử lý các vấn đề sau của bùn thải như: độ ẩm, hàm lượng N, hàm lượng P, hàm lượng vi sinh vật.Hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước 40 được hỗ trợ từ đối tác Đức được áp dụng để quan trắc và phân tích các chỉ tiêu chất lượng nước của hệ thống xử lý. Hệ thống lai hợp hồ sinh học – đất ngập nước kiến tạo là phù hợp để xử lý nước ao nuôi tôm với hiệu suất cao, đầu ra đáp ứng chất lượng nước phục vụ nhu cầu tái sử dụng cho ao nuôi tôm.
Đề tài đã xây dựng được bản đề xuất nhân rộng mô hình phù hợp xử lý nước thải ao nuôi tôm đạt tiêu chuẩn tái sử dụng, có khả năng áp dụng linh hoạt theo quy mô, mật độ nuôi trồng, mô hình quản lý nguồn nước nuôi trồng thuỷ sản bền vững và có hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường, phù hợp với điều kiện khí hậu và tập quán nuôi trồng thủy hải sản tại Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20323/2021) tại Cục Thông tin khoa học và cng nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)