Nghiên cứu xây dựng khung quản lý và đề xuất giải pháp ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai vùng Trung du Bắc Bộ. Áp dụng cho lưu vực sông Phan - Cà Lồ
Cập nhật vào: Thứ tư - 14/07/2021 03:39
Cỡ chữ
Vấn đề quản lý rủi ro thiên tai đã được các nước, các chuyên gia trên thế giới đề cập và nghiên cứu đưa ra nhằm giảm thiểu tối đa về thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó có có nhiều cách tiếp cận, phương pháp luận, giải pháp thích ứng với rủi ro thiên tai, và đặc biệt là nhiều mô hình quản lý rủi ro thiên tai đã được hình thành.
Hầu hết các dự án và đề tài nghiên cứu ở Việt Nam khi đánh giá về rủi ro thiên tai mới chỉ tập trung vào một đối tượng hay một khu vực cụ thể, ứng phó với các loại hình thiên tai đơn lẻ. Mặt khác, các nghiên cứu này tập trung nhiều vào yếu tố kỹ thuật, giải pháp mang tính kỹ thuật, các ước lượng và đánh giá rủi ro thiên tai còn đơn giản dựa trên các kịch bản phân tích với các thiệt hại được ước lượng trên thiệt hại về cơ sở vật chất chưa phản ánh được các cấp độ rủi ro khác nhau đối với từng thảm họa gắn liền với thiệt hại về người, vật chất, kinh tế, xã hội và môi trường.
Hàng năm, vùng Trung du Bắc Bộ là nơi có nhiều hiện tượng thiên tai thời tiết bất thường như mưa lớn gây lũ lụt, lũ quét, ngập lụt, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở đất bất thường… đã trực tiếp tàn phá cây cối nhà cửa, công trình, cơ sở hạ tầng làm thiệt hại nghiêm trọng về người và của cải cho khu vực này. Trong tương lai cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì các sự kiện thời tiết bất thường và cực đoan có chiều hướng gia tăng cả về quy mô lẫn tần suất xuất hiện. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có những ứng xử thế nào, để thích nghi được với mọi loại hình thời tiết nguy hiểm và với những kịch bản biến đổi khí hậu đã được đề xuất, thậm chí là những kịch bản diễn biến cực đoan của thời tiết? Để trả lời được câu hỏi này, cần thiết phải có những nghiên cứu đề xuất các khung quản lý rui ro thiên tai nhằm giảm thiểu các rủi ro và thiệt hại trong tương lai, theo cách tiếp cận giảm thiểu rủi ro bền vững.
Lưu vực sông Phan - Cà Lồ trải rộng trên một lưu vực rộng lớn, chảy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và Thủ đô Hà Nội. Sông chảy qua vùng đô thị thuộc thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc và vùng có tốc độ đô thị hóa cao thuộc địa phận Hà Nội là hai huyện Mê Linh và Đông Anh và một vùng đồng bằng rộng lớn. Nghiên cứu rủi ro thiên tai tại lưu vực sông Phan - Cà Lồ sẽ mang đặc trưng điển hình của các loại hình rủi ro đô thị, nông thôn, vùng quy hoạch đô thị hay vùng có tốc độ đô thị hóa cao.
Vì vậy “Nghiên cứu xây dựng khung quản lý và đề xuất giải pháp ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai vùng trung du Bắc Bộ. Áp dụng lưu vực sông Phan - Cà Lồ”. Do Cơ quan chủ trì đề tài Viện Quy hoạch Thủy lợi cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Văn Tuấn để thực hiện với mục tiêu: Xây dựng được khung quản lý thiên tai tổng hợp, giải pháp ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai vùng Trung du Bắc Bộ; Áp dụng cụ thể đề xuất khung, giải pháp và kế hoạch ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai lưu vực sông Phan - Cà Lồ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai cho vùng nghiên cứu cũng như giải quyết phương pháp luận áp dụng quản lý rủi ro thiên tai cho các vùng, lưu vực sông khác trong cả nước.
Đề tài đã sử dụng cách tiếp cận đúng đắn trong nghiên cứu rủi ro thiên tai đó là chúng ta phải đi xây dựng một quy trình, khung tiếp cận rủi ro thiên tai từ thiết lập hệ thống thông tin ban đầu, đến xác định được tính phơi nhiễm của rủi ro thiên tai, đánh giá tính dễ tổn thương của vùng nghiên cứu đối với từng loại hình thiên tai rủi ro, đánh giá được mức độ rủi ro và nguy cơ rủi ro đối với từng loại hình rủi ro riêng biệt cũng như đánh giá được các kịch bản mà trong đó có nhiều loại hình rủi ro cùng xảy ra một lúc, và cuối cùng là đưa ra những chính sách, quyết định đầu tư, những chiến lược giảm nhẹ, hay biện pháp ứng phó với từng cấp độ rủi ro và quá trình này sẽ được thực hiện lặp đi lặp lại nhằm bổ sung và cập nhật các thông số, thông tin rủi ro giúp cho việc giảm nhẹ thiên tai được tốt hơn trong tương lai.
Vùng nghiên cứu trung du Bắc Bộ trong nghiên cứu này được giới hạn bao gồm 4 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang (đây là khu vực chuyển tiếp giữa miền núi Bắc Bộ và châu thổ sông Hồng với đặc trưng địa hình bán sơn địa với các đồi bát úp xen kẽ các cánh đồng thung lũng bằng phẳng. Diện tích tự nhiên khoảng 1.677 nghìn ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 450.700ha, đất lâm nghiệp là 819.600ha, đất chuyên dùng là 144.500ha và đất ở là 74.700ha. Dân số trên toàn khu vực tính đến năm 2013 là 5,9 triệu người.
Vùng nghiên cứu điển hình được lựa chọn là LVS Phan - Cà Lồ: Vùng lưu vực sông Phan - Cà Lồ diện tích lưu vực 715,8 km2. Theo tự nhiên, đây là dòng thu gom tiêu thoát trải dài qua 7 huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và 2 huyện thuộc địa bàn Hà Nội là Mê Linh và Đông Anh. Tuy nhiên, phạm vi ảnh hưởng chính của các loại hinh thiên tai liên quan đến tính chất lưu vực sông như lũ úng... tập trung chủ yếu ở vùng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời để thuận tiện trong đánh giá tác động đến dân sinh, kinh tế xã hội và thống nhất trong việc xây dựng Khung Quản lý RRTT cũng như Kế hoạch giảm nhẹ RRTT theo đơn vị hành chính, trong nghiên cứu này giới hạn vùng nghiên cứu điển hình LVS Phan - Cà Lồ thuộc 7 huyện của tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm Tp. Vĩnh Yên, Tp. Phúc Yên, Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương và một phần huyện Tam Đảo (các xã Tam Quan, Hồ Sơn, Hợp Châu, Minh Quang và TT. Tam Đảo).
Dựa trên kết quả tính toán, phân tích cho thấy vùng nghiên cứu chịu tác động của khá nhiều loại hình thiên tai với tần suất khá thường xuyên, tuy nhiên mức độ rủi ro không quá cao. Tại vùng nghiên cứu điển hình LVS Phan - Cà Lồ, đối với rủi ro thiên tai ngập úng do mưa lớn và lũ sông cần lưu ý các khu dân cư thuộc Phường Tích Sơn, Liên Bảo, Khai Quang, Định Trung, Đống Đa (tp Vĩnh Yên), Xã Ngô Quyền (H. Yên Lạc), xã Thanh Vân (H. Tam Dương)… sản xuất nông nghiệp cần chú ý: Cao Minh, Nam Viên (Phúc Yên), Sơn Lôi (Bình Xuyên), Hoàng Lâu (Tam Dương). Đối với thiên tai hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cần có lưu ý diện tích thuộc Gia Khánh, Trung Mỹ, Hương Canh, Tân Phong, Sơn Lôi, Bá Hiến, Thanh Lãng (Bình Xuyên); Minh Quang,Hợp Châu (Tam Đảo); Kim Long, Hướng Đạo (Tam Dương); Bình Định, Đồng Cương (Yên Lạc); Cao Minh, Ngọc Thanh (Phúc Yên); Hội Hợp (Vĩnh Yên).
Như vậy, một trong những vấn đề cần quan tâm và cũng là đóng góp của đề tài này là việc xác định đúng cấp độ nguy cơ rủi ro của các loại thiên tai có xem xét đến tính dễ bị tổn thương của đối tượng và khu vực chịu tác động. Với các loại hình thiên tai thông thường dựa theo quy định tại Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg. Với một số khu vực có nghiên cứu cụ thể mức độ RRTT của một các loại thiên tai chính, cần tham khảo các kết quả nghiên cứu, tính toán có liên quan (Ví dụ tại LVS Phan - Cà Lồ, đối với các loại hình RRTT do ngập úng, lũ sông, hạn hán tham khảo kết quả tính toán và đề xuất cấp độ rủi ro của đề tài này).
Dựa trên Khung quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp, đề tài đã xây dựng Kế hoạch phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cho Lưu vực sông Phan Cà Lồ với các thông tin, yêu cầu chi tiết và giải pháp cụ thể ứng phó với các loại hình rủi ro thiên tai theo các cấp độ khác nhau, trong đó chỉ rõ các cấp độ thiên tai khác nhau có ảnh hưởng đến các khu vực nào và cần có các giải pháp ứng phó tương ứng.
Kết quả nghiên cứu của đề tài, đặc biệt là 2 sản phẩm Sổ tay hướng dẫn và Kế hoạch phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai sẽ là cơ sở tham khảo quan trọng cho các cơ quan quản lý, các địa phương trong việc nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý, phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai tổng hợp.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16465/2019) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)