Nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá công tác quản lý tài sản công trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công
Cập nhật vào: Thứ sáu - 10/11/2023 00:03 Cỡ chữ
Tài sản công (TSC) trong cơ quan nhà nước (CQNN), đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) là một bộ phận của TSC quốc gia, của từng cấp chính quyền; là cơ sở vật chất để các cơ quan quản lý nhà nước, ĐVSNCL thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Vì vậy, việc quản lý TSC trong CQNN, ĐVSNCL có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của các cơ quan, đơn vị.
Các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành đã đưa ra nhiều công cụ để thực hiện việc quản lý, sử dụng, khai thác TSC nhằm hướng đến các mục tiêu đã được xác định. Để đánh giá việc quản lý, sử dụng TSC có đạt được mục tiêu đề ra hay không cần phải có các tiêu chí nhất định. Tuy nhiên, đến nay, chưa có hệ thống tiêu chí riêng để đánh giá việc quản lý, sử dụng TSC là tốt hay chưa tốt.
Thời gian vừa qua, liên quan đến việc đánh giá công tác quản lý TSC, Bộ Tài chính đã ban hành các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các Sở Tài chính (trong đó có chấm điểm công tác quản lý, sử dụng TSC); Bộ Nội vụ ban hành tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính (CCHC) của Bộ, ngành, địa phương (trong đó có nội dung liên quan đến công tác quản lý công sản). Hai bộ tiêu chí nêu trên được xây dựng với mục đích để đánh giá, xếp loại các Bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước trong công tác quản lý tài chính và CCHC; trong đó, các tiêu chí nêu trên thuộc lĩnh vực quản lý TSC đã phản ánh một phần công tác quản lý TSC tại các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, các tiêu chí này mang tính thời điểm, áp dụng cụ thể cho năm đánh giá đối với các Bộ, ngành, địa phương khi phải triển khai một vấn đề cụ thể; việc đánh giá chủ yếu về mặt hành chính; một số tiêu chí đánh giá mang tính chung chung, định tính khó đánh giá; chưa phản ánh một cách toàn diện công tác quản lý TSC của cả nước, của từng Bộ, ngành, địa phương cũng như của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Vì vậy, TS. Nguyễn Tân Thịnh và nhóm nghiên cứu tại Cục Quản lý công sản đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá công tác quản lý tài sản công trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công” từ năm 2019 đến năm 2020.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: hệ thống hóa, bổ sung, làm rõ lý luận về tiêu chí đánh giá công tác quản lý TSC trong CQNN và ĐVSNCL; phân tích, đánh giá thực trạng sử dụng các tiêu chí đánh giá công tác quản lý TSC trong CQNN và ĐVSNCL ở Việt Nam thời gian vừa qua, rút ra những thành công, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế của các tiêu chí đánh giá công tác quản lý TSC trong CQNN và ĐVSNCL ở Việt Nam; và xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá công tác quản lý TSC trong CQNN và ĐVSNCL ở Việt Nam, đề xuất những giải pháp, kiến nghị để áp dụng các tiêu chí vào thực tiễn đánh giá công tác quản lý TSC trong CQNN và ĐVSNCL ở Việt Nam thời gian tới.
Đề tài đã giải quyết được các vấn đề cơ bản sau:
Một là, khái quát các vấn đề lý luận cơ bản về đánh giá công tác quản lý TSC. Từ các quan niệm về đánh giá và nội hàm công tác quản lý TSC, đề tài đã đề ra khái niệm về đánh giá công tác quản lý TSC, tiêu chí đánh giá công tác quản lý TSC để sử dụng trong đề tài; thực hiện phân loại tiêu chí đánh giá công tác quản lý TSC; xác định vai trò của tiêu chí đánh giá công tác quản lý TSC và yêu cầu của hệ thống tiêu chí đánh giá công tác quản lý TSC.
Hai là, đã thực hiện đánh giá thực trạng công tác quản lý TSC trong CQNN, ĐVSNCL ở Việt Nam cũng như thực trạng sử dụng bộ tiêu chí về quản lý, sử dụng TSC trong Bộ tiêu chí chấm điểm CCHC của các bộ, ngành, địa phương do Bộ Nội vụ ban hành và Bộ tiêu chí đánh giá thực hiện nhiệm vụ của Sở Tài chính địa phương do Bộ Tài chính ban hành để đánh giá công tác quản lý TSC của các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, nhận diện các kết quả đã đạt được, các hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân của các hạn chế khi sử dụng các bộ tiêu chí này để đánh giá công tác quản lý TSC.
Ba là, xác lập hệ thống quan điểm, mục tiêu xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá công tác quản lý TSC ở Việt Nam; trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá công tác quản lý TSC trong CQNN, ĐVSNCL, bao gồm: (i) Nhóm tiêu chí xây dựng và phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng TSC: gồm 03 tiêu chí; (ii) Nhóm tiêu chí về công tác tổ chức thực hiện công tác quản lý TSC: gồm 04 tiêu chí và 24 tiêu chí thành phần; (iii) Nhóm tiêu chí về công tác kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về TSC: gồm 03 tiêu chí; (iv) Nhóm tiêu chí mở. Đồng thời, đề tài cũng đã đề xuất các giải pháp và kiến nghị để áp dụng các tiêu chí trong thực tiễn nhằm đánh giá công tác quản lý TSC. Các giải pháp, kiến nghị này là một chỉnh thể thống nhất, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, có ý nghĩa, vai trò, tác dụng nhất định đối với việc đánh giá công tác quản lý TSC. Do vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiến nghị trên nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, tích cực trong đánh giá công tác quản lý TSC.
Việc tiếp tục hoàn thiện tiêu chí để đánh giá công tác quản lý TSC là cần thiết, có ý nghĩa thiết thực về mặt khoa học và thực tiễn.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19094/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)