Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát việc thực hiện quy trình dự báo và đánh giá chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai
Cập nhật vào: Thứ hai - 25/01/2021 04:58 Cỡ chữ
Trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan trên thế giới cũng như ở Việt Nam ngày một gia tăng không những về tần suất mà còn tăng về cường độ. Việc dự báo khí tượng thủy văn ngày càng trở thành thách thức lớn đối với các chuyên gia vì bản chất và quy luật biến đổi của các hiện tượng ngày càng phức tạp. Với phương châm hiện đại hóa ngành, trong mười năm trở lại đây Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho lĩnh vực dự báo khí tượng thủy văn nhằm nâng cao năng lực và chất lượng dự báo.
Ngày 19 tháng 6 năm 2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban Luật Phòng, chống thiên tai nhằm quy định về hoạt động phòng, chống thiên tai, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai. Tổng cục Khí tượng Thủy văn là cơ quan có chức năng dự báo, cảnh báo các thiên tai được nhắc đến trong Luật. Tuy nhiên, có một số thiên tai mà các đơn vị có chức năng không thể cảnh báo, dự báo kịp thời và chính xác do hạn chế cả về công nghệ dự báo cũng như mạng lưới quan trắc.
Ngày 23 tháng 11 năm 2015, Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 là bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn. Luật khí tượng thủy văn quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chịu trách nhiệm dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Luật cũng quy định rõ hơn về công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do mình ban hành. Do đó, để thực hiện Luật KTTV cần phải có được một hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo thiên tai.
Với yêu cầu đó, công tác dự báo, cảnh báo KTTV đòi hỏi phải có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ và phù hợp. Qua đánh giá thực trạng công tác tuân thủ các quy trình, quy định dự báo đã được Trung tâm KTTV quốc gia ban hành và các Quyết định của Thủ tướng chính phủ quy định tại các đơn vị làm nghiệp vụ dự báo còn nhiều bất cập. Nguyên nhân cơ bản là do các Quy trình, quy định đã ban hành chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của thực tiễn dự báo tại các địa phương, các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành hiện đã lạc hậu so với thực tiễn dự báo; Chưa có đầy đủ hệ thống các quy trình, quy định về dự báo, cảnh báo thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai theo các quyết định số 44/2014/QĐ-TTg và 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng chính phủ. Bên cạnh đó, công nghệ dự báo hiện nay có nhiều thay đổi và phát triển; kinh tế và xã hội cũng có nhiều yêu cầu cao hơn đối với dự báo KTTV, các văn bản trước đây không còn phù hợp với các thay đổi và yêu cầu đó. Do vậy, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và xây dựng hệ thống văn bản mới thay thế các văn bản cũ sao cho phù hợp với các văn bản pháp luật mới ban hành đồng thời thích ứng với sự phát triển khoa học và công nghệ ứng dụng trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Nhóm nghiên cứu do Cơ qua chủ trì Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài: Phan Trường Duân thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát việc thực hiện quy trình dự báo và đánh giá chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai”, với mục tiêu: Bổ sung hoàn thiện các Quy trình dự báo KTTV, cảnh báo thiên tai và Quy định đánh giá chất lượng bản tin dự báo KTTV; Xây dựng hệ thống giám sát việc thực hiện quy trình dự báo KTTV, cảnh báo thiên tai và đánh giá chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai trực tuyến; Dự thảo thông tư Quy định giám sát việc thực hiện quy trình dự báo và đánh giá chất lượng dự báo khí tượng thuỷ văn, cảnh báo thiên tai.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã nghiên cứu và sửa đổi được 11 Quy trình dự báo, cảnh báo KTTV, 07 Quy định đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo và xây dựng 12 Quy định giám sát việc thực hiện quy trình dự báo KTTV và cảnh báo thiên tai cho 11 hiện tượng khí tượng thủy văn và hải văn bao gồm: Bão; Không khí lạnh; Mưa lớn diện rộng; Nắng nóng và hạn hán; Sương mù; Lũ và ngập lụt; Dông sét; Lũ quét và sạt lở đất; sóng biển và mực nước triều trong điều kiện thời tiết bình thường và trong điều kiện thời tiết nguy hiểm.
Nhằm nâng cao tính pháp lý của các quy định giám sát việc thực hiện dự báo, cảnh báo, đồng thời bổ sung văn bản pháp luật cho việc giám sát dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, Đề tài đã nghiên cứu xây dựng Dự thảo thông tư Quy định về giám sát việc thực hiện Quy trình dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai và đánh giá chất lượng dự báo khí tượng thủy văn. Thông tư này sẽ là căn cứ pháp lý để ban hành các Quy định giám sát việc thực hiện quy trình dự báo KTTV và cảnh báo thiên tai đã nghiên cứu xây dựng. Do đó, thông tư cần thiết sớm được ban hành và áp dụng.
Sau khi nghiên cứu và hoàn thiện xây dựng Chương trình giám sát trực tuyến quy trình thực hiện dự báo, cảnh báo. Đề tài đã tiến hành thử nghiệm tác nghiệp tại Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài KTTV Đồng Bằng Bắc Bộ và Đài KTTV khu vực Đông Bắc. Chương trình được đánh giá đáp ứng hỗ trợ công tác giám sát việc thực hiện Quy trình dự báo, cảnh báo, đồng thời là công cụ hỗ trợ dự báo viên trong việc thực hiện Quy trình.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15832/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)
gần đây, hiện tượng, thời tiết, thế giới, gia tăng, không những, cường độ, khí tượng, thủy văn, ngày càng, trở thành, thách thức, chuyên gia, bản chất, quy luật, phức tạp, phương châm, hiện đại, trở lại, nhà nước, lĩnh vực