Nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính quốc gia cho lúa và các loại cây trồng cạn chủ yếu phục vụ kiểm kê khí nhà kính và xây dựng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp
Cập nhật vào: Thứ tư - 17/05/2023 00:01 Cỡ chữ
Báo cáo kiểm kê khí nhà kính (KNK) quốc gia cho năm 2014 trong thông báo quốc gia lần thứ 3 cho thấy, tổng phát thải từ lĩnh vực nông nghiệp: 89.751,8 Gg-CO2 tương đương. Nguồn phát thải lớn nhất là CH4 từ quá trình canh tác lúa, chiếm tới 49,4% tổng phát thải của ngành nông nghiệp. Nguồn phát thải KNK chính từ canh tác cây trồng cạn là khí N2O từ đất nông nghiệp. Tiểu lĩnh vực này đóng góp phát thải cao thứ 2 với tỷ trọng 27,8% tổng phát thải từ lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tính toán kiểm kê KNK của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên cơ sở là các hệ số phát thải mặc định do IPCC đưa ra, mà không có các HSPT riêng đặc trưng cho từng lĩnh vực của ngành và quốc gia, do vậy độ tin cậy và chính xác của kết quả tính toán chưa cao. Kể cả khi áp dụng bộ hướng dẫn phiên bản IPCC 2006 thì hướng dẫn này cũng luôn khuyến khích sử dụng các bộ hệ số phát thải cho từng lĩnh vực của quốc gia. Hơn nữa, việc có một hệ số phát thải riêng cho từng cây trồng cạn chính sẽ là cơ sở để tính toán phát thải cơ sở của các cây trồng đó, khi xây dựng các giải pháp giảm phát thải KNK sẽ rất thuận lợi vì chỉ việc tính toán hệ số giảm phát thải là có thể tính toán và so sánh khả năng giảm phát thải của các cây trồng này. Do vậy nhu cầu xây dựng bộ hệ số phát thải đặc trưng cho các KNK từ quá trình canh tác lúa cũng như sử dụng đất nông nghiệp cho các cây trồng cạn chủ lực là rất cần thiết để đảm bảo tính chính xác, thống nhất và minh bạch cũng như đáp ứng các yêu cầu của IPCC trong tương lai.
Nhằm đóng góp lớn về giá trị kinh tế và an sinh xã hội, xây dựng được hệ thống dữ liệu KNK đặc thù và phát triển hệ số phát thải Quốc gia cho cây lúa và cây trồng cạn trên một số loại đất chính ở các vùng sinh thái nông nghiệp của Quốc gia để phục vụ công tác kiểm kê KNK Quốc gia và xây dựng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của ngành Nông nghiệp, nhóm nghiên cứu, Viện Môi trường Nông nghiệp - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, do PGS. TS. Mai Văn Trịnh đứng đầu đã đề xuất và được giao thực hiện: “Nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính quốc gia cho lúa và các loại cây trồng cạn chủ yếu phục vụ kiểm kê khí nhà kính và xây dựng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của ngành Nông nghiệp”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Đánh giá được hiện trạng sử dụng hệ số phát thải KNK cho cây lúa và một số cây trồng cạn phục vụ kiểm kê KNK.
- Xây dựng được hệ số phát thải cho lúa và một số cây trồng cạn chủ yếu trên các loại đất chính trên các vùng sinh thái nông nghiệp và của Quốc gia (sử dụng phương pháp bậc 2 cho lúa và các loại cây trồng cạn chủ yếu và cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính cho ngành trồng trọt giai đoạn 2006 đến 2016);
- Xây dựng được cơ sở dữ liệu phát thải KNK cho lúa và cây trồng cạn theo các vùng sinh thái.
- Xây dựng các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong trồng trọt.
- Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xây dựng được bộ hệ số phát thải đặc trưng canh tác lúa cho 3 khu vực Bắc, Trung, Nam của quốc gia. Các hệ số phát thải trên các loại đất khác nhau, trên các vùng sinh thái khác nhau, trên các cơ cấu mùa vụ khác nhau có sự khác biệt. Vụ hè thu của khu vực miền Bắc có hệ số phát thải cao hơn cả đạt 35,67 g/m2 /vụ các khu vực còn lại đều cho hệ số phát thải CH4 trong khoảng từ 19.8 -21,9 g/m2 /vụ. Đối với cây trồng cạn, HSPT được xây dựng cao nhất là từ canh tác cây cao su, trung bình đạt 2,0 (% đạm bón), tiếp đến là cà phê 1,76%, đến cây chè với 1,71 % và thấp nhất là cây ngô với 0,98%. Các kết quả này phản ánh đúng sự đặc trưng cho từng loại đất, từng vùng sinh thái khác nhau và do đó nâng cao tính chính xác trong công tác kiểm kê phát thải khí nhà kính.
- Kết quả áp dụng HSPT cho kiểm kê KNK quốc gia cho canh tác lúa giai đoạn 2006 - 2018, cho thấy phát thải KNK từ canh tác lúa giao động từ 34,1-36,3 triệu tấn CO2td. Năm cao nhất là năm 2013 đạt 36,42 tr.Tấn CO2td (năm có diện tích lúa cao nhất). Với Kết quả kiểm kê năm 2014 theo HSPT của đề tài là 36,36 tr.tấn CO2 tđ (có bao gồm N2O), thấp hơn so với kết quả kiểm kê phát thải KNK quốc gia từ đất canh lúa do Bộ TN&MT công bố năm 2014 (44,29 triệu tấn CO2tđ) là 17,9%; Với kiểm kê phát thải KNK cây trồng cạn trong giai đoạn 2006-2018: phát thải KNK từ canh tác ngô dao động từ 74,6-95,6 nghìn tấn CO2tđ; Cây mía 65,8- 77,1 nghìn tấn CO2tđ; Cây cà phê 111,5-157,7 nghìn tấn CO2tđ, Cây cao su 109,3- 283,3 nghìn tấn CO2tđ, Cây sắn 148,4-185,2 nghìn tấn CO2tđ, và cây chè 34,9-38,1 nghìn t CO2tđ. Khi kiểm kê phát thải KNK từ canh tác cây trồng cần áp dụng hệ số phát thải của từng loại cây trồng của quốc gia đó thay vì áp dụng hệ số mặc định của IPCC sẽ tạo ra sự không chắc chắn lớn trong kết quả kiểm kê.
- Dựa vào đường cong phát thải cho từng giai đoạn gồm bén rẽ hồi xanh, đẻ nhánh, phát triển lóng thân, phân hóa đòng, trỗ, thụ phấn, chín sữa và chín sáp để áp dụng các biện pháp giảm thải phù hợp với từng vùng canh tác lúa và các cây trồng cạn chủ đạo. Để giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, nông dân cần tránh việc đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa mà xử lý b ng chế phẩm sinh học và cày vùi vào đất hoặc thu gom, đồng thời thực hiện gieo cấy thưa gắn với bón phân, tưới nước tiết kiệm. Áp dụng kỹ thuật tưới lúa “ướt khô xen kẽ”, sử dụng phân bón hữu cơ và các loại phân bón thế hệ mới, tiết kiệm đạm, lân giúp giảm thất thoát phân bón, giảm phát thải khí nhà kính.
- Xây dựng thành công CSDL của đề tài BĐKH trên phần mềm quản trị dữ liệu SQL Server Management Studio. CSDL được chia thành 3 nhóm chính là tình hình sản xuất của lúa và một số cây trồng cạn, kết quả đo phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác lúa và một số cây trồng cạn và hệ số phát thải của lúa và các cây trồng cạn tương ứng. Việc quản lý CSDL được tiến hành dựa trên các tài khoản truy cập do quản trị viên ủy quyền. CSDL được xây dựng thành công là cơ sở cho việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý dữ liệu của các đề tài nhiệm vụ, tạo tiền đề cho việc xây dựng một hệ CSDL thống nhất và đồng bộ cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Như vậy, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài là cần thiết, góp phần kiểm kê KNK trong sản xuất lúa và một số cây trồng cạn chủ đạo được chính xác hơn. Đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường công nhận kết quả nghiên cứu của đề tài và chỉ đạo các đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu về phát thải và giảm phát thải KNK. Cần được mở rộng nghiên cứu nhiều năm đối với các cây trồng cạn. Cần nghiên cứu phát triển các công nghệ giảm phát thải KNK như chế tạo các loại phân nhả chậm để tăng hiệu quả sử dụng phân đạm và giảm phát thải KNK; tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp… Duy trì và triển khai nhân rộng các mô hình canh tác thông minh thích ứng với BĐKH để giúp người dân canh tác bền vững, đảm bảo năng suất, sản lượng và hiệu quả thu nhập trên đơn vị diện tích, đồng thời hạn chế được các tác động tiêu cực từ BĐKH và giảm được phát thải KNK phù hợp với mục tiêu tự thích ứng của quốc gia về cắt giảm phát thải tiến tới nền nông nghiệp xanh, các bon thấp.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18221/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)