Nghiên cứu xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan - đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại khu dự trữ sinh quyển Lang Biang
Cập nhật vào: Thứ năm - 19/08/2021 03:31
Cỡ chữ
Những cánh rừng đầu nguồn trên núi cao, hỗn giao các loài cây lá kim và cây lá rộng quanh năm mây mù che phủ là một đặc trưng, một di sản của thiên nhiên mà không đâu có được. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất trong bảo tồn Cảnh quan - Đa dạng sinh học khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Lang Biang là sự suy giảm diện tích rừng và suy thoái về chất lượng rừng. Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa, những tập quán canh tác sử dụng đất và tài nguyên rừng theo nghề truyền thống của cộng đồng người dân tộc bản địa trong khu dự trữ sinh quyển cũng đang có nguy cơ bị mai một và mất dần giá trị. Nguyên nhân chính của tình trạng trên được xác định là do sức ép về kinh tế, sự cạnh tranh và mâu thuẫn trong sử dụng đất, cũng như tác động của việc khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững và nhu cầu mở rộng đất canh tác của cộng đồng người dân địa phương. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các nguồn lực như tài chính, nhân lực, cơ sở 3 vật chất và kinh nghiệm tổ chức… cũng là nguyên nhân khiến cho công tác bảo tồn gặp nhiều khó khăn.
Việc thiếu một cơ chế hiệu quả để huy động các nguồn lực hiện có đã hạn chế rất nhiều những nỗ lực của công tác bảo tồn. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh thái học miền Nam do TS. Vũ Ngọc Long dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan - đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại khu dự trữ sinh quyển Lang Biang” trong thời gian từ từ năm 2015 đến năm 2018.
Mục tiêu chung của đề tài là đề xuất được cơ chế kết hợp hài hòa giữa bảo tồn Cảnh quan- Đa dạng sinh học (CQ - ĐDSH) và không gian văn hóa (KGVH) của khu DTSQ Lang Biang phục vụ phát triển bền vững. Trong khuôn khổ đề tài, “Cơ chế kết hợp” được xác định là cách thức thực hiện các hoạt động trong đó kết hợp hài hòa giữa bảo tồn cảnh quan- ĐDSH và bảo tồn KGVH nhằm thực hiện hiệu quả “Kế hoạch quản lý Khu DTSQ Lang Biang”, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại quyết định 786/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2018. Cơ chế cần vận dụng linh hoạt các chính sách, chủ trương của nhà nước cũng như của tỉnh Lâm Đồng, đồng thời phù hợp với đặc trưng cảnh quan tự nhiên và văn hóa của khu vực. Đồng thời, Cơ chế phải đảm bảo sự đồng thuận của các bên liên quan, do vậy cần được xây dựng thông qua quá trình tham vấn bằng các phương pháp có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng các tộc người bản địa.
Đề tài đã thu được các kết quả sau:
Về đặc trưng của CQ-ĐDSH, không gian văn hóa và các bất cập trong quản lý bảo tồn CQ-ĐDSH và KGVH
Để xây dựng được cơ chế kết hợp hài hòa giữa CQ – ĐDSH và KGVH, những đặc trưng và thực trạng quản lý của hai lĩnh vực này trên địa bàn Khu DTSQ Lang Biang đã được tổng hợp, phân tích và đưa ra những đề xuất để xây dựng cơ chế bảo tồn kết hợp.
Dựa trên kết quả phân tích trên, có thể thấy yêu cầu của cơ chế kết hợp bảo tồn CQ-ĐDSH và KGVH là phải kết hợp hài hòa tất cả các giải pháp đặt ra cho từng lĩnh vực CQ-ĐDSH, KGVH và các bất cập trong quản lý nhà nước hai lĩnh vực này. Ngoài ra, cơ chế được xây dựng dựa trên lý luận và thực tiễn, đảm bảo tính phù hợp về chính sách và tính khả thi.
Về xây dựng cơ chế kết hợp bảo tồn CQ-ĐDSH và KGVH
Về lý luận, Cơ chế được xây dựng trên cơ sở áp dụng cách tiếp cận cảnh quan tổng hợp, lồng ghép với cách tiếp cận SLIQ, đồng thời đúc kết các kinh nghiệm quản lý bảo tồn và phát triển bền vững của một số Khu DTSQ trên thế giới và Việt Nam.
Về thực tiễn, Cơ chế kết hợp này vận dụng những chủ trương, chính sách và kế hoạch của Tỉnh Lâm Đồng, trong đó quan trọng nhất là Kế hoạch quản lý 5 năm (2018-2023) Khu DTSQ Lang Biang, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và lồng ghép với những kế hoạch/đề án đã được phê duyệt để sớm đi vào thực tiễn.
Ngoài ra, Cơ chế kết hợp này được xây dựng theo hướng tiếp cận “từ dưới lên” (Bottom up); nghĩa là xác định bất cập của các cơ chế kết hợp hiện có, thử nghiệm những mô hình kết hợp, đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn từ đó định hướng và phát triển Cơ chế.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16271/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)