Nghiên cứu xây dựng chuẩn đầu ra cho các trình độ đào tạo nghề trong ngành in ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 09/09/2020 12:54 Cỡ chữ
Việc xây dựng chuẩn đầu ra cho người học là một nội dung quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế. Ngành công nghiệp in hiện nay tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm, ngành cần bổ sung khoảng 3.000 nhân lực có chất lượng hằng năm.
Chuẩn đầu ra cho một số trình độ đào tạo nghề in ở Việt Nam đã được nghiên cứu và đề xuất. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu mang tính tổng thể toàn diện và một số tiêu chuẩn đưa ra đã không còn phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Để đạt được mục đích trên, đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ năm 2018 do trường Cao đẳng Công nghiệp In thực hiện đã được lựa chọn là: “Nghiên cứu xây dựng chuẩn đầu ra cho các trình độ đào tạo nghề trong ngành in ở Việt Nam” do Cơ quan chủ trì Trường Cao Đẳng Công nghiệp In cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Vũ Kết Đoàn thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Xây dựng được các tiêu chuẩn về kiến thức và kỹ năng cơ bản cần có của người học ở một số ngành, nghề đào tạo trong ngành in ở Việt Nam.
In truyền thông là một trong các phương tiện truyền thông mạnh nhất của truyền thông đại chúng. Ngành sản xuất in ra đời từ rất sớm và tồn tại cùng với sự phát triển của xã hội. Ngành in là một ngành công nghiệp dịch vụ, nó tham gia vào hầu hết các chuỗi sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của xã hội. Doanh thu của ngành in đóng góp phần đáng kể vào GDP hàng năm của mỗi quốc gia và sử dụng lao động.
Thị trường toàn ngành in toàn cầu bị phân tán cao, với một vài công ty in lớn nhất chiếm 17,6% doanh thu của ngành. Thị trường mới nổi chiếm 37% thị trường toàn cầu trong năm 2017, bước nhảy vọt từ 22% so với năm 2007. Tốc độ tăng trưởng thị trường in trung bình trong giai đoạn 2012-2017 chỉ là 0,8% ở các nước thuộc tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) nhưng là 7,3% ở các nước không thuộc OECD. 20 thị trường hàng đầu trong năm 2007 là 89% thị trường, đến năm 2017 là 92%.
Đào tạo NNL đáp ứng yêu cầu cho một ngành nghề sản xuất, kinh doanh là một trong những công tác rất quan trọng, nó quyết định đến sự phát triển của các cơ sở đào tạo và ngành công nghiệp in và sản xuất bao bì. Vì vậy, việc “Nghiên cứu xây dựng chuẩn đầu ra cho các trình độ đào tạo nghề trong ngành in ở Việt Nam” là rất cần thiết và có tính thực tiễn rất cao, đây cũng là vần đề mang tính cấp thiết của cơ sở đào tạo NNL cho ngành CN In nói chung và Trường CĐCN In nói riêng.
Đề tài đã xác định và hệ thống hóa cơ sở lý luận liên quan đến vấn đề “Nghiên cứu xây dựng chuẩn đầu ra cho các trình độ đào tạo nghề trong ngành in ở Việt Nam”. Từ kết quả nghiên cứu trong đề tài khẳng định: Trong sự biến động của tình hình thế giới của sự bùng nổ khoa học, công nghệ và nhiều diễn biến trái chiều trong tổ chức biên chế, chức năng nhiệm vụ và thực tế hoạt động đa dạng của các trường việc quản lý chất lượng đào tạo trong hệ thống nhà trường nói chung và Trường CĐCN In nói riêng có vai trò hết sức quan trọng, quyết định khả năng tồn tại của các trường đào tạo nghề hiện nay hiện nay.
Xuất phát từ tình hình thực tế quản lý phát triển ĐNGV Trường CĐCN In, Nhóm nghiên cứu hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn lực con người trong một tổ chức nói chung và một trường học là vấn đề sống còn của sự thành công. Có ĐNGV giỏi về chuyên môn, đúng đắn đạo đức là một trong những đầu tư tốt nhất mà một Nhà trường nên làm, điều này cũng phù hợp với xu thế chung. Nên việc đề ra mục tiêu, yêu cầu chất lượng đạo tạo (chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của NTD) và nhiệm vụ chiến lược của Trường nên gắn chặt với việc quản lý phát triển ĐNGV.
Qua nhiều năm xây dựng Nhà trường, Chi ủy, Ban giám hiệu Trường CĐCN In mặc dù luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quản lý phát triển ĐNGV, song với đặc thù một Trường đào tạo chuyên môn hẹp, nên trong thời gian qua ĐNGV của Trường tuy đã đáp ứng đủ về số lượng nhưng cơ cấu, chất lượng còn chưa đồng đều và luôn cần tới đội ngũ GVTG. Đây là yếu tố cực kỳ bất lợi cho Nhà trường mặc dù đối với GVTG Trường không phải bỏ kinh phí đào tạo, kinh phí phúc lợi nhưng nếu trong thời gian tới Trường không nhanh chóng bổ sung lực lượng thì các chiến lược về đào tạo và phát triển lâu dài của Nhà trường sẽ khó thực hiện được.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15786/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)