Nghiên cứu xây dựng chỉ dẫn địa lý cho miến dong riềng đỏ tại tỉnh Bắc Kạn
Cập nhật vào: Thứ sáu - 06/09/2024 11:09 Cỡ chữ
Trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2021, PGS. TS. Nguyễn Hiệu cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng chỉ dẫn địa lý cho miến dong riềng đỏ tại tỉnh Bắc Kạn”.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng được CDĐL Bắc Kạn cho sản phẩm miến dong riềng đỏ của tỉnh Bắc Kạn; xây dựng được mô hình tổ chức quản lý CDĐL Bắc Kạn cho sản phẩm miến dong riềng đỏ của tỉnh Bắc Kạn; xây dựng được mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm miến dong riềng đỏ Bắc Kạn được bảo hộ CDĐL; và xây dựng được hệ thống công cụ quảng bá, giới thiệu CDĐL Bắc Kạn cho sản phẩm miến dong riềng đỏ của tỉnh Bắc Kạn.
Tỉnh Bắc Kạn có điều kiện thổ nhưỡng, địa hình và khí hậu thích hợp cho cây dong riềng sinh trưởng và phát triển. Nghề trồng, chế biến tinh bột và sản xuất miến dong riềng đỏ ở tỉnh Bắc Kạn đã có từ những năm 1970 của thế kỷ trước và hiện nay trở thành nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Sản phẩm miến dong riềng đỏ Bắc Kạn là sản phẩm truyền thống được sản xuất từ 100% tinh bột của củ dong riềng nguyên liệu trồng tại các địa phương của tỉnh Bắc Kạn. Củ dong riềng nguyên liệu của tỉnh Bắc Kạn có các đặc thù: Hàm lượng tinh bột từ 19,51-22,38%; hàm lượng vitamin B1 từ 6,60-8,06 µg/100 g tinh bột. Cây dong riềng cho năng suất cao và chất lượng tinh bột tốt khi được trồng trên các loại đất có đặc trưng: pHKCl: 3,52-7,62; hàm lượng các bon hữu cơ (OC): 5,02-15,08%; hàm lượng PDT từ 1,26-19,95 mg P2O5/100 g; hàm lượng KDT từ 1,92- 12,21 mg K2O/100 g; hàm lượng cát: 28,86-82,88%; dung lượng cation trao đổi (CEC): 5,10- 21,70 ldl/100 g. Các đặc trưng thổ nhưỡng này đã tạo nên tính đặc thù về hình thái và chất lượng của củ dong riềng nguyên liệu.
Các sản phẩm miến dong riềng đỏ Bắc Kạn được sản xuất theo hai phương pháp: Phương pháp truyền thống (miến rút) và phương pháp máy tráng. Các sản phẩm miến dong riềng đỏ Bắc Kạn có đặc thù về màu sắc là trắng xám sáng, hơi đục, hơi ánh vàng; trạng thái khô dai; khi nấu chín sợi miến không bị nát và trương nở.
Đến nay, bên cạnh những cơ hội và lợi thế về chất lượng và sự cạnh tranh trên thị trường, chuỗi giá trị của dong riềng Bắc Kạn đã được hình thành nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập cản trở sự phát triển và tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm miến dong riềng đỏ Bắc Kạn. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn cần có chính sách ưu tiên xây dựng và hoàn thiện mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ miến dong mang CDĐL theo chuỗi giá trị trên cơ sở cải thiện các tác nhân tham gia chuỗi, cũng như những nhân tố ảnh hưởng đến vận hành, hoạt động của chuỗi.
Mô hình tổ chức quản lý và khai thác các sản phẩm CDĐL của các sản phẩm nông sản của tỉnh chưa hiệu quả (Sản phẩm Hồng không hạt, Quýt). Vì vậy, cần thiết phải đổi mới cách tiếp cận trong hoàn thiện mô hình quản lý này. Công tác giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài đối với chất lượng sản phẩm mang CDĐL chưa được chú trọng, chưa quan tâm phát triển và đăng ký truy xuất nguồn gốc. Đối với sản phẩm miến dong riềng đỏ Bắc Kạn đã được bảo hộ CDĐL, cần thiết phải thành lập Liên minh HTX hoặc Hiệp hội Miến dong Bắc Kạn để quản lý và tổ chức khai thác, sử dụng CDĐL hiệu quả. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp: Các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng miến dong; các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác CDĐL; các giải pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường; các giải pháp bảo vệ môi trường; các giải pháp về vốn và tín dụng. Đặc biệt, tăng cường vai trò quản lý và phối hợp của các sở, ban ngành của tỉnh.
Hiện nước thải và bã thải dong riềng chưa được quan tâm xử lý. Đây là nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xung quanh cao, đồng thời gây ra tình trạng lãng phí lượng rất lớn tài nguyên bã thải (70 - 75% khối lượng củ dong riềng). Vì vậy, cần đầu tư công nghệ xử lý triệt để nước thải và sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý bã thải làm phân hữu cơ sử dụng cho trồng dong riềng, góp phần cải thiện độ phì nhiêu của đất, giảm lượng phân vô cơ; giảm ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; giảm lượng phân bón vô cơ. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất dong riềng.
Việc xây dựng các mô hình sản xuất miến dong riềng đỏ hữu cơ, thân thiện môi trường là chiến lược lâu dài và cần phải ưu tiên thúc đẩy của ngành sản xuất miến dong riềng đỏ của tỉnh Bắc Kạn nhằm tiếp tục duy trì, phát triển thương hiệu, danh tiếng và uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Định hướng ưu tiên sản xuất miến dong riềng đỏ sạch phục vụ xuất khẩu sang các thị trường quốc tế tiềm năng.
Việc xây dựng CDĐL sẽ tác động tích cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng, sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sản xuất và chế miến miến dong riềng đỏ của tỉnh Bắc Kạn, thúc đẩy nhóm doanh nghiệp phát triển, nâng cao tính hội nhập kinh tế cho khu vực nông thôn của tỉnh. Việc xây dựng được mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thu cho sản phẩm mang CDĐL sẽ góp phần bảo tồn và phát triển cây trồng đặc sản bản địa, nâng cao sức cạnh trên trên thị trường, tăng giá trị và hiệu quả sản xuất miến dong riềng đỏ Bắc Kạn là hết sức cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn hiện nay.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20084/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)