Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí quy hoạch và thiết kế cây xanh cho các dự án xây dựng công trình giao thông
Cập nhật vào: Thứ sáu - 09/12/2022 00:03 Cỡ chữ
Cây xanh ngày càng có vai trò quan trọng và trở thành tiêu chí cần thiết cho phát triển bền vững giao thông thủy và bộ, nhất là những đoạn đi qua khu vực dân cư. Nhiều công bố khoa học đã chứng minh cây xanh có tính năng cải thiện môi trường không khí và điều kiện khí hậu rất tốt trên các tuyến đường. Cây xanh hai bên tuyến đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối và chất thải động cơ từ 30 - 60% cho khu vực xung quanh. Cây xanh làm giảm thiểu khí nhà kính, làm giảm phản xạ bức xạ mặt trời ra xung quanh. Theo các tài liệu nghiên cứu, trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000kg CO2 và thải ra 730kg O2 mỗi ngày. Như vậy, mỗi người gần khu vực quy hoạch cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25m2 thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống. Ngoài ra, cây xanh có khả năng hấp thụ tiếng ồn và phụ thuộc vào dải cây xanh rậm rạp hay thưa thớt, rộng hay hẹp, cao hay thấp, lá dầy hay mỏng, lá rộng hay bé... Cây xanh có tác dụng sát trùng, diệt một số vi trùng, vi khuẩn độc hại, hấp thụ các khí độc hại và đảm bảo vệ sinh môi trường. Về giá trị thẩm mỹ và cảnh quan tuyến đường, hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan, tạo ra cảm giác êm dịu về màu sắc và môi trường thanh bình.
Hiện nay, ô nhiễm không khí đã và đang trở thành vấn đề bức xúc trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong số các chất gây ô nhiễm không khí nói chung, khí thải từ các phương tiện cơ giới đường bộ chiếm một tỷ trọng đáng kể. Căn cứ vào lượng xăng và dầu diesel các phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ hàng năm và lượng chất độc hại thải ra khi đốt cháy một tấn nhiên liệu có thể ước tính được lượng chất độc hại thải ra môi trường trong năm đó. Theo thống kê và dự đoán của Bộ 3 Công thương nhu cầu năng lượng cuối cùng của ngành giao thông năm 2014 là 11.2 MTOE, năm 2015 là 12.1 MTOE, năm 2020 là 16.4 MTOE, dự báo năm 2025 là 22.0 MTOE và năm 2030 là 29.8 MTOE với dự báo tăng trưởng trung bình từ 2014 - 2030 là 6.3%.Việc phát triển mạnh hệ thống vận chuyển đường thủy nội địa trong thời gian qua và trong tương lai sẽ kéo theo một hệ thống tàu thuyền lớn hoạt động trên 45 tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) quốc gia với tổng chiều dài khoảng 7.075 km. Điều này giúp cho việc vận chuyển hàng hóa đa dạng hơn và có giá thành rẻ hơn nhiều so với các phương thức vận chuyển hiện nay. Tuy nhiên, lượng tàu bè nhiều sẽ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường dọc các tuyến đường thủy nội địa này, điển hình trong số đó là sự sạt lở hai bên bờ kè.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Trường Đại học Công nghệ GTVT cũng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Lê Xuân Thái thực hiện “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí quy hoạch và thiết kế cây xanh cho các dự án xây dựng công trình giao thông” với mục tiêu: Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí quy hoạch và thiết kế cây xanh cho đường quốc lộ, đường cao tốc (đoạn trong đô thị và ngoài đô thị) và đường thủy nội địa; Xây dựng được ngân hàng cây xanh phù hợp với các tiêu chí hoạch và thiết kế cây xanh cho đường quốc lộ, đường cao tốc và đường thủy nội địa.
Trong những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta phát triển theo chiều hướng mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng. Đối với các công trình giao thông cây xanh là một thành phần quan trọng trong quy hoạch, thiết kế và cũng là yếu tố cần thiết để tôn tạo cảnh quan cũng như thực hiện các chức năng sinh thái – môi trường. Ngoài ra đối với công trình đường thủy nội địa cây xanh còn giúp chống sạt lở hai bên bờ. Tuy nhiên, cho đến nay ở Việt Nam việc quy hoạch cây xanh cho các tuyến đường bộ vẫn chưa có công trình nghiên cứu hoặc văn bản nào quy định cụ thể. Việc trồng cây dọc các tuyến đường phần lớn đều mang tính chủ quan của chủ đầu tư mà chưa mang tính quy hoạch lâu dài và chú ý đến giải pháp BVMT. Hơn thế nữa, loài cây trồng vẫn còn nhiều hạn chế, không những về số lượng mà cả về chất lượng. Thời gian qua nhiều loài cây trồng đã bộc lộ khá rõ nét sự không phù hợp với loại hình mảng xanh dọc các tuyến đường.
Đề tài đã đánh giá phân tích các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch và thiết kế cây xanh cho các dự án công trình giao thông cho thấy các văn bản vẫn còn thiếu nhiều, chưa quy định cụ thể.
Những khảo sát điều tra đánh giá thực trạng cây xanh trên các tuyến giao thông thủy và bộ cho thấy thực trạng cây xanh trên đường là thưa thớt, chưa có dáng dấp của quy hoạch nhiều, việc lựa chọn loài cây cũng như bố trí trồng vẫn chưa tuân thủ theo các tiêu chí. Cây xanh tồn tại chủ yếu do lịch sử để lại hoặc do người dân trồng tự phát dọc hai bên tuyến (nếu đủ điều kiện). Các chủ đầu tư hoặc các nhà thầu có trồng vẫn mang tính chất đối phó, trồng tùy tiện dẫn đến hệ thống cây xanh không liền mạch, rời rạc, không phát huy được vai trò bảo vệ bờ đê và các chức năng sinh thái - môi trường khác. Kết quả cho thấy, hiện nay dọc các tuyến đường thủy nội địa tỷ lệ diện tích cây xanh còn thấp, thiếu không gian xanh. Cấu trúc của mảng xanh cũng chưa hợp lý. Các tuyến đường bộ phần lớn (trừ cao tốc) đều có dân cứ bám sát mặt đường nên việc quy hoạch, thiết kế đồng nhất đoạn đường vẫn đang còn khó khăn do tính chủ quan của chủ đầu tư, sở thích của dân cư 2 bên đường.
Đề tài đã nghiên cứu các đặc tính sinh học của cây xanh, tính thích ứng sinh thái và công dụng để từ đó xây dựng được bộ tiêu chí cơ bản cho lựa chọn đánh giá tập đoàn cây xanh phù hợp với 5 nhóm tiêu chuẩn cơ bản là: phù hợp với quy hoạch, phù hợp với công dụng, phù hợp với điều kiện sinh thái, phù hợp với an toàn sinh học và chức năng môi trường và phù hợp với bản sắc văn hóa - lịch sử và đời sống cộng đồng. Trên cơ sở đó đã xây dựng ngân hàng cây xanh 18 gồm 332 loài của 66 họ thực vật bậc cao có mạch, đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn tập đoàn cây xanh cho các tuyến giao thông đường bộ và đường thủy ở trên.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17865/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)