Nghiên cứu xác định hệ số phát thải khí nhà kính từ hoạt động đốt hở các phụ phẩm nông nghiệp (trấu, rơm rạ) vùng Tây Nam Bộ
Cập nhật vào: Thứ hai - 18/12/2023 03:21
Cỡ chữ
Rơm rạ là sản phẩm phụ của hoạt động sản xuất lúa. Rơm rạ sau thu hoạch có thể được sử dụng để trồng nấm, đun nấu, làm thức ăn cho gia súc, lợp nhà, lót chuồng, làm phân bón. Tuy nhiên tỷ lệ này rất thấp, hiện nay phần lớn rơm rạ được đốt trực tiếp ngoài đồng ruộng. Đây là hình thức xử lý phổ biến (chiếm tới 98%) để chuẩn bị cho vụ gieo trồng tiếp theo. Đốt hở rơm rạ thường diễn ra theo mùa, tập trung trong thời gian ngắn, nhưng lại diễn ra trên diện rộng. Quá trình đốt hở rơm rạ sản sinh ra bụi và các chất thải góp phần gây ô nhiễm môi trường không khí, biến đổi khí hậu và tác động đến sức khoẻ con người. Để ước tính được mức độ phát thải các chất ô nhiễm và đánh giá tác động của quá trình đốt đến môi trường, hệ số phát thải là đại lượng được sử dụng phổ biến nhất.
Tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu thực hiện kiểm kê phát thải do đốt hở rơm rạ dựa vào hệ số phát thải được tham khảo từ các nghiên cứu của các quốc gia lân cận. Việc sử dụng hệ số phát thải của nước khác vào Việt Nam để thực hiện kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ có thể gây ra sai số. Nguyên nhân do hệ số phát thải ở các nước khác nhau phụ thuộc vào trình độ công nghệ, đặc điểm môi trường, đặc điểm nguyên, nhiên liệu đốt...
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Thị Mai Thảo tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xác định hệ số phát thải khí nhà kính từ hoạt động đốt hở các phụ phẩm nông nghiệp (trấu, rơm rạ) vùng Tây Nam Bộ” từ năm 2017 đến năm 2020.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: nghiên cứu cơ sở khoa học xác định hệ số phát thải các chất khí gây ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động đốt hở trấu, rơm rạ trên đồng ruộng vùng Tây Nam Bộ; kiểm kê hàm lượng các chất khí phát sinh từ hoạt động đốt hở trấu, rơm rạ theo các mùa vụ khác nhau vùng Tây Nam Bộ; và đánh giá tác động ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động đốt hở trấu, rơm rạ theo các mùa vụ khác nhau vùng Tây Nam Bộ.
Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã xác định được hệ số phát thải các chất khí ô nhiễm khi tiến hành đốt hở rơm rạ ngoài đồng ruộng. Hệ số phát thải khí nhà kính (CO2) theo ba mùa Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông lần lượt là 1102,36 ±159,02 g/kg, 1107,44 ±126,41 g/kg và 1422,78 ±157,50 g/kg. Trung bình hệ số phát thải của TSP là 27,93 (g/kg), PM10 là 10,21 g/kg. Hệ số phát thải trung bình của CO là 105,73(g/kg). Hệ số phát thải khí SO2 0,43g/kg và khí NO2 là 0,67 g/kg.
- Khi thực hiện thí nghiệm đốt rơm rạ trong phòng thí nghiệm, hệ số phát thải khí nhà kính (CO2) trung bình của 3 lần lượt là 1.222,61 g/kg, 1.188,25 g/kg và 1.670,33 g/kg, CO là 100,91 g/kg, 92,23 g/kg, 103,73 g/kg, SO2 là 0,34 g/kg, 0,7 g/kg và 0,67 g/kg; NO2 là 0,48 g/kg, 0,51 g/kg, 0,67 g/kg; TSP là 9,6 g/kg, 8,2 g/kg và 9,3 g/kg; PM10 là 7,64 g/kg, 6,92 g/kg, 8,04 g/kg ở mùa Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông. Nghiên cứu cũng đã xác định hệ số phát thải của các chất khí gây ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động đốt trấu tại các nhà máy xay xát.
- Kết quả cho thấy hệ số phát thải của khí nhà kính CO2 dao động trong khoảng từ 747,39 - 894,45 g/kg; CO dao động từ 076,98 ÷ 108,49 g/kg; NO2 là 0,39 ÷ 0,48 g/kg; SO2 là 01,34 ÷ 2,16 g/kg; TSP là 1,47 ÷ 1,83 g/kg. Trong phòng thì nghiệm thì hệ số phát thải các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt trấu đối với CO2 là 922,63 ± 11,37 g/kg; CO là 116,99 ± 2,81 g/kg; NO2 là 0,0132 ± 0,00065 g/kg; SO2 là 0,066 ± 0,037 g/kg; TSP là 2,11±0,25 g/kg.
- Kết quả kiểm kê khí thải phát sinh từ đốt rơm rạ năm 2019 tại vùng Tây Nam Bộ cho thấy, tổng lượng khí thải CO2 phát sinh lớn nhất (36,7 triệu tấn), tiếp đó là CO (872,62 nghìn tấn), PM2,5 (325,66 nghìn tấn), PM10 (93,05 nghìn tấn), SO2 (50,3 nghìn tấn) và thấp nhất là NO2 với 1,76 nghìn tấn.
- Kết quả đánh giá lan truyền các chất khí ô nhiễm từ hoạt động đốt rơm rạ cho thấy, tại khoảng cách 1km từ vị trí đốt, nồng độ PM10 lớn nhất đo được là 452,2 µg/m3, nồng độ PM2,5 lớn nhất là 316,3 µg/m3, nồng độ CO2 lớn nhất là 954 mg/m3, nồng độ CO lớn nhất là 12779 µg/m3, 1522,8 µg/m3 gấp hơn 8 lần so với quy chuẩn cho phép, nồng độ SO2 cao nhất là 5030 µg/m3 gấp hơn 14 lần so với quy chuẩn cho phép. Khoảng cách an toàn để tránh những ảnh hưởng của khói thải là 5km. 100% người dân nhận thức được các tác động từ đốt rơm rạ đên môi trường và sức khỏe. Chính vì vậy việc áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để tăng tỷ lệ sử dụng rơm, rạ là rất cần thiết
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19213/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)